IBAITAP: Cùng ibaitap đến với bài học “Giá trị văn học và tiếp nhận văn học" hôm nay để nắm được những giá trị cơ bản của văn học.
MỤC LỤC
Câu 1: Nêu vắn tắt cơ sở xuất hiện và nội dung cụ thể từng giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của văn học. (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
- Giá trị nhận thức: phản ánh hiện thực, khám phá và lý giải đời sống của con người ở nhiều không gian, thời gian khác nhau ở mọi thời đại, mọi xứ xở. Văn học sẽ phản ánh quá trình nhận thức thế giới và tự nhận thức bản thân của mỗi người.
- Giá trị giáo dục: Thông qua việc nhận thức được một cuộc sống đẹp người viết nên ca ngợi giá trị sống tốt đẹp và lên án những thói hư tật xấu nhằm tạo ra những bài học sâu sắc. Ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu hay cái ác thì vẫn nó vẫn có tác dụng giáo dục tốt đến độc giả. Nếu nhà văn có cái tâm trong sáng cùng thái độ phê phán đúng mực hợp lý thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo, sáng tạo.
- Giá trị thẩm mĩ: Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học có thể phát huy tích cực khi gắn với giá trị tạo nên đặc trưng của văn học đó là giá trị thẩm mĩ. Nó có khả năng của văn học để phát hiện và miêu tả vẻ đẹp cuộc sống một cách sinh động giúp con người cảm nhận được rung cảm với vẻ đẹp phong phú, rộng lớn từ tình cảm và thế giới bên ngoài. Vẻ đẹp của văn học chính là sự hài hoà giữa hình thức với nội dung để mang lại những tình cảm thẩm mỹ cho người đọc.
Câu 2: Các giá trị của văn học có mối quan hệ với nhau như thế nào? (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
Các giá trị văn học có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời và cùng tác động đến người đọc:
Giá trị nhận thức luôn luôn là tiền đề của giá trị giáo dục.
Giá trị giáo dục giúp giá trị nhận thức thêm sâu sắc.
Giá trị thẩm mỹ khiến cho giúp giá trị nhận thức và giá trị giáo dục được phát huy.
⇒ Nếu không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người chín vì vậy nhận thức không chỉ để nhận thức mà nó còn để hành động. Tuy nhiên giá trị nhận thức và giá trị giáo dục chỉ có thể phát huy một cách tích cực và có hiệu quả nhất khi được gắn với giá trị thẩm mỹ - giá trị tạo nên đặc trưng của văn học.
Câu 3: Tiếp nhận văn học là gì? Phân tích các tính chất trong tiếp nhận văn học. (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
- Tiếp nhận văn học là một quá trình mà người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó và đắm chìm vào thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo.
- Hai tính chất trong tiếp nhận văn học:
Tính chất cá thể hóa tính chủ động và tích cực của người tiếp nhận. Yếu tố này thuộc về cá nhân và nó vai trò quan trọng: năng lực, thị hiếu, sở thích, lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sống. Tính khuynh hướng trong trong tư tưởng và tình cảm trong thị hiếu thẩm mỹ càng làm cho sự tiếp nhận văn học mang đậm nét cá nhân. Chính sự chủ động và tích ấy của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm.
Tính đa dạng và không thống nhất: cảm thụ, đánh giá của công chúng về một tác phẩm hoàn toàn khác nhau, thậm chí cùng một người tại nhiều thời điểm sẽ có cảm thụ và đánh giá khác nhau.
Câu 4: Có mấy cấp độ tiếp nhận văn học? Làm thế nào để tiếp nhận văn học có hiệu quả thực sự? (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
- Có ba cấp độ tiếp nhận văn học đó là:
Khi cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể và nội dung trực tiếp của tác phẩm, đây chính là cách tiếp nhận đơn giản nhưng rất phổ biến.
Khi cảm thụ qua nội dung trực tiếp sẽ thấy được nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Khi cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức để thấy được giá trị tư tưởng cùng giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
- Để có thể tiếp nhận văn học một cách có hiệu quả người tiếp nhận cần:
Nâng cao trình độ.
Tích lũy kinh nghiệm.
Trân trọng tác phẩm và tìm cách để hiểu được tác phẩm một cách trọn vẹn và khách quan.
Tiếp nhận tác phẩm một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, hướng tới cái hay, cái đẹp và cái đúng.
Không nên tùy tiện suy diễn.
LUYỆN TẬP
Câu 1: Có người cho giá trị cao quý nhất của văn chương là nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của con người, hay nói như Thạch Lam là "làm cho lòng người được trong sạch và phong phú hơn". Nói như vậy có đúng không? Vì sao? (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
- Cách nói trên là cách nói để khẳng định và đề cao giá trị giáo dục của văn chương chứ không hề có ý xem nhẹ các giá trị khác.
- Không thể tách rời giá trị giáo dục với các giá trị khác vì giữa chúng có mối liên hệ mật thiết hỗ trợ lẫn nhau, phải có giá trị này thì mới có giá trị kia.
Câu 2: Tự chọn phân tích một tác phẩm văn học cụ thể để làm sáng tỏ các giá trị của văn học (hoặc các cấp độ tiếp nhận văn học). (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
- Tác phẩm Vợ Nhặt - Kim Lân:
Giá trị nhận thức: tái hiện chân thực hình ảnh đau thương của nhân dân trong thời kì chịu hai ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Giá trị thẩm mĩ: gợi lên sự đồng cảm, thương cảm của người đọc đối với thân phận con người nghèo khó trong thời kì đất nước đang bị xâm lược.
Giá trị giáo dục: lòng yêu nước và lòng thương người.
Câu 3: Thế nào là “cảm” và “hiểu” trong tiếp nhận văn học? (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 191)
Lời giải chi tiết:
- Cảm là cấp độ tiếp nhận cảm tính về tác phẩm, là khi người đọc có những ấn tượng chung nào đó nhưng chưa cắt nghĩa được nguồn gốc của những ấn tượng đó.
- Hiểu là cấp độ tiếp nhận lý trí, là khi người đọc nhận thức được tác phẩm một cách khá trọn vẹn về cả nội dung và nghệ thuật.