[SOẠN BÀI] NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÔ ĐỘC GIỮA RỪNG

I. CHUẨN BỊ 

Câu 1: (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 15)

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích kể về việc ông Hai và bé An đến thăm Võ Tòng tại nhà của Võ Tòng. 

Câu 2: (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 15)

Lời giải chi tiết:

Nhân vật chính trong truyện là Võ Tòng, nhân vật được nhà văn thể hiện qua ngoại hình, hành động và lời nói khi tiếp xúc với ông Hai và bé An.

Câu 3: (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 15)

Lời giải chi tiết:

Phần đầu của truyện được kể theo ngôi thứ nhất theo lời của cậu bé An và được đổi sang ngôi thứ ba khi nói về cuộc đời của Võ Tòng. Việc thay đổi ngôi kể giúp việc kể được linh hoạt hơn đồng thời giúp nhân vật hiện lên rõ nét và khách quan hơn. 

Câu 4: (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 15) 

Lời giải chi tiết:

Truyện đã giúp em tìm hiểu thêm về đặc điểm cùng tính cách của con người nơi đất rừng U Minh.

Câu 5: (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 15,)

Lời giải chi tiết:

- Tác phẩm

  • Phát hành vào năm 1957.
  • Là truyện viết cho thiếu nhi rất thành công và nổi tiếng, truyện đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản nhiều lần đồng thời được dựng thành phim và in trong Tủ Sách Vàng của Nhà xuất bản Kim Đồng.
  • Nội dung chính của truyện viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Lấy bối cảnh là miền Tây Nam Bộ Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.

- Tác giả:

  • Đoàn Giỏi (17/05/1925-02/04/1989) sinh tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho nay là xã Tân Hiệp, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang.
  • Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn trong vùng và giàu lòng yêu nước.
  • Những bút danh khác của ông: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.
  • Phong cách nghệ thuật viết về cuộc sống, thiên nhiên và con người Nam Bộ.

II. ĐỌC HIỂU   

Câu 1: Tiếng kêu và hình ảnh của con vượn bạc má trong phần 1 gợi ra cảm giác về một bối cảnh như thế nào?  (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 15)

Lời giải chi tiết:

Tiếng kêu và hình ảnh con vượn bạc trong phần 1 gợi ra cảm giác sợ hãi và bối cảnh hoang vắng, ảm đạm giữa rừng sông nước. 

Câu 2: Những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách, … gợi lên ấn tượng gì về chú Võ Tòng? (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 16)

Lời giải chi tiết:

Những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách… gợi lên trong em ấn tượng về Võ Tòng đó là một người đàn ông cô độc, chất phác và trọng tình nghĩa.

Câu 3: Chỉ ra dấu hiệu về sự chuyển đổi ngôi kể. (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 17)

Lời giải chi tiết:

Dấu hiệu về sự chuyển ngôi kể đó là: ở đoạn đầu nhân vật xưng tôi “chắc tôi ngủ một giấc…tôi bước qua mấy bậc gỗ…” sang đoạn thứ ba đã chuyển đổi sang gã “không ai biết tên thật của gã là gì”.

Câu 4: Chuyện Võ Tòng giết hổ hé mở điều gì về tính cách, cuộc đời nhân vật? (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 17)

Lời giải chi tiết:

Chuyện Võ Tòng đánh hổ đã hé mở lên sự gan dạ, dũng cảm và nhanh nhạy nhưng cũng hé mở về một cuộc đời gian truân, éo le. 

Câu 5: Liên hệ hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng. (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 17)

Lời giải chi tiết:

- Hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng có điểm giống nhau là:

  • Giống nhau về nguyên nhân đó là cái ác đều tự tìm đến với Võ Tòng. 
  • Giống nhau về hành động tiêu diệt cái ác đó là Võ Tòng đã thẳng tay trừng trị.
  • Giống nhau về kết quả đó là cái ác đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên Võ Tòng đã nhận lại kết quả đau đớn theo suốt quãng đường đời còn lại đó là “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, bị đi tù 10 năm và đứa con trai duy nhất đã chết khi gã trong tù. 

- Hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng khác nhau đó là khi giết hổ đó là hành động tự vệ theo bản năng thể hiện được sức mạnh và vang danh. Còn khi giết tên địa chủ đó là giết người và là hành động bảo vệ danh dự, sau khi giết người gã không trốn chạy mà lại đi đến nhà việc để chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Câu 6: Chú ý cách uống rượu và lời nói của chú Võ Tòng với tía nuôi “tôi” . (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 19)

Lời giải chi tiết:

- Cách uống rượu của Võ Tòng từ tốn có chút thận trọng nhưng lại hết sức gần gũi.

Lời nói của Võ Tòng với tía nuôi “tôi” thể hiện khí phách kiên cường cùng bản lĩnh gan dạ dũng cảm. 

Câu 7: Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai và lời đáp của chú Võ tòng thể hiện điều gì? (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai không phải là lời cảm ơn riêng của bản thân ông mà là ông trang trọng gửi lời cảm ơn của người dân Nam Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung cho Võ Tòng vì đã làm mũi tên để giết giặc. Lời đáp lại của Võ Tòng đã thể hiện lên chí hướng chung của hai nhân vật đó là chống giặc cứu nước!

III. CÂU HỎI CUỐI BÀI 

Câu 1: Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc gì? Đoạn trích có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhan đề văn bản gợi cho em những suy nghĩ gì? (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

- Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” kể về việc ông Hai và bé An đến thăm Võ Tòng tại nhà của Võ Tòng. 

- Đoạn trích có 3 nhân vật đó là: bé An, ông Hai và Võ Tòng.

- Nhân vật chính của đoạn trích là Võ Tòng.

- Nhan đề của văn bản gợi cho em suy nghĩ về người đàn ông sống cô độc, lạnh lẽo giữa rừng núi hoang vu hẻo lánh và hình hài có phần quái dị.

Câu 2: Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em.  (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

- Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được tác giả thể hiện trên những phương diện như: nơi ở, cách ăn mặc, lời nói và hành động.

- Miêu tả: Võ Tòng hiện lên là một người có thân hình vạm vỡ, tóc dài, khuôn mặt chữ điền, nước da ngăm đen khỏe mạnh và giọng nói trầm rõ ràng. Võ Tòng cũng là một người bản lĩnh, nghĩa hiệp và yêu nước. 

Câu 3: Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc hoạ nhân vật Võ Tòng. (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

Việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc hoạ nhân vật Võ Tòng có tác dụng giúp cho việc kể trở nên linh hoạt và Võ Tòng được hiện lên rõ nét, khách quan hơn.

Câu 4: Hãy nêu ra một số yếu tố (ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người, nếp sinh hoạt,...) trong văn bản để thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ. (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

Một số yếu tố chứng minh truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ trong văn bản là:

  • Ngôn ngữ: sử dụng nhiều những từ ngữ vùng Nam Bộ (xuồng, cà ràng, tẩu,....)
  • Phong cảnh: cảnh sông nước thông qua hình ảnh chiếc xuồng ở đầu và cuối văn bản cùng cảnh nhà lều với những bếp củi cà ràng giữa nhà.
  • Tính cách con người: chân thật, khẳng khái nhưng lại hết sức tình cảm, đôn hậu. Điều đó được thể hiện rất rõ nét qua nhân vật Võ Tòng.
  • Nếp sinh hoạt: trong nhà có bậc thang gỗ, dùng nối đất, đốt củi, ăn đồ khô,....

Câu 5: Qua văn bản, em hiểu thêm được gì về con người và thiên nhiên của vùng đất phương Nam? Hãy nêu một chi tiết mà em thích nhất và lí giải vì sao. (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

- Qua văn bản em hiểu thêm được về nét chất phác hồn nhiên của con người phương Nam đồng thời thêm yêu mến thiên nhiên hoang sơ giản dị nơi đây. 

- Chi tiết em thích nhất trong văn bản đó là chi tiết Võ Tòng giết hổ vì đó là một hình ảnh đẹp nó cho thấy sức mạnh phi thường của con người chứng minh con người đủ khả năng chống chọi lại mọi khó khăn khắc nghiệt của tự nhiên để bảo vệ bản thân. Đây cũng là hình ảnh cho em thấy được tinh thần tự vệ cao của con người Việt Nam.

Câu 6: Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng". (SGK Ngữ văn 7 tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là một đoạn trích tiêu biểu nằm trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam". Văn bản sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ qua đó người đọc có thể dễ dàng hình dung được phong cảnh thiên nhiên cùng những thói quen sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Tác giả đã khắc hoạ thành công nhân vật thông qua việc miêu tả kết hợp kể về hình dáng, lời nói cũng như hành động của nhân vật. Chính vì vậy mà nhân vật của ông mang đậm chất Nam Bộ, bên cạnh đó bằng việc thay đổi ngôi kể một cách linh hoạt nhân vật đã hiện lên dưới ngòi bút của tác giả rõ nét, trung thực và khách quan hơn.