[SOẠN BÀI] VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRONG ĐỜI SỐNG

I. HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH KIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Tác giả viết bài văn này nhằm mục đích gì? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 19)

Lời giải chi tiết:  

Bài văn được viết nhằm chỉ ra ý nghĩa của sự tha thứ.

Câu 2: Những dấu hiệu nào giúp em nhận ra đây là bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 19)

Lời giải chi tiết:  

Dấu hiệu giúp em biết đây là bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống đó là nội dung của văn bản, nó sử dụng lí lẽ, dẫn chứng…bàn luận về một vấn đề trong đời sống. 

Câu 3: Bài viết đã đưa ra ý kiến, lí lẽ, bằng chứng nào về sự tha thứ? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 19)

Lời giải chi tiết:  

- Ý kiến được đưa ra là: Tha thứ là món quà quý giá…. Tha thứ giúp chúng ta tìm thấy sự bình an. 

- Lí lẽ được đưa ra là: Không ai tránh khỏi sai lầm. Mãi ôm lòng thù hận khiến cuộc sống chúng ta đau khổ.

- Dẫn chứng được đưa ra là: Trại giam Gia Trung, nghiên cứu thực hiện bởi bác sĩ tại Mĩ cho thấy tha thứ giúp làm giảm căng thẳng. 

Câu 4: Xác định đoạn văn có chức năng giải thích và đoạn văn có chức năng bổ sung, xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 19)

Lời giải chi tiết:  

Đoạn văn có chức năng giải thích đó là: “Tha thứ chính là…. hòa nhập với xã hội”.

Đoạn văn có chức năng bổ sung đó là: “Bên cạnh đó…hàn gắn cho quá khứ”.

Câu 5: Ở phần kết bài, tác giả đã đề xuất giải pháp gì? Theo em, giải pháp đấy có hợp lí, khả thi hay không? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 19)

Lời giải chi tiết:  

Ở phần kết bài tác giả đã đề xuất học cách tha thứ bằng việc đặt mình vào vị trí của người khác, tìm hiểu nguyên nhân cùng hoàn cảnh dẫn họ đến sai lầm. Theo em giải pháp đó rất hợp lí và khả thi. 

II. HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH VIẾT

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) về một vấn đề trong đời sống mà em quan tâm. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 20)

Lời giải chi tiết: 

Hiện nay ngành giáo dục có rất nhiều thành tích đáng khâm phục nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số thách thức chưa được giải quyết như bạo lực học đường, gian lận thi cử, vô lễ với giáo viên. Trong đó vấn nạn đáng báo động nhất hiện nay có lẽ là vấn nạn gian lận trong thi cử.

Gian lận trong thi cử là hành vi làm trái so với quy định của học sinh như quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi hay chạy tiền để được điểm cao. Việc gian lận không chỉ diễn ra ở học sinh mà nó còn còn tồn tại ở cả giáo viên và phụ huynh. Chính giáo viên và phụ huynh đã và đang “dọn đường” cho học sinh, tiếp tay để học sinh gian lận, đây thực sự là điều rất đáng buồn. 

Biểu hiện của việc gian lận thi cử hiện nay rất lộ liễu, ai ai cũng biết nhưng không ai lên tiếng. Việc gian lận trong thi cử gây ra rất nhiều tác hại xấu cho học sinh, nó làm hư học sinh khiến các em  luôn ở trong tâm thế sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý chí vươn lên phấn đấu giành thành tích. Hậu quả mà gian lận thi cử gây ra rất lớn, nó có thể phá huỷ cả tương lai còn dài của các em. 

Để hạn chế được hiện tượng này các thầy cô giáo cần nghiêm khắc, xử lí mạnh tay những thành phần dám vi phạm. Như vậy học sinh mới có thể nghiêm túc làm bài và không dựa dẫm. Việc này cũng giúp học sinh có thể nắm vững các kiến thức đã được học. Tình trạng gian lận thi cử ở nước ta còn tồn tại rất nhiều không chỉ ở những kì kiểm tra mà còn tồn tại cả trong những kì thi lớn. Các em không thể tự khẳng định mình mà chỉ chạy theo những cái danh vọng hão huyền, không thực tế. Việc gian lận thi cử sẽ tạo nên bệnh thành tích và nó cần phải được bài trừ. 

Đất nước cần những người biết tự lập, tự học tập, sáng tạo và vươn lên bằng chính khả năng, sức lực của mình. Việc ngăn chặn gian lận thi cử cần bắt đầu từ chính học sinh, việc này sẽ cổ vũ tinh thần ham học tập của các bạn. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần có kế hoạch để đẩy lùi vấn nạn này và mang đến cho ngành giáo dục sự lành mạnh nhất.