IBAITAP: Cùng ibaitap đến với bài học “Hồn Trương Ba, da hàng thịt" hôm nay để cảm nhận được bi kịch của người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu, thanh cao bị nhiễm độc và tha hoá trước sự lấn át của thể xác thô lỗ phàm tục.
MỤC LỤC
I. HOÀN CẢNH SÁNG TÁC TÁC PHẨM HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
Được sáng tác vào năm 1981 nhưng đến tận năm 1984 mới ra mắt công chúng. Đây là một trong số những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước.
II. TÓM TẮT TÁC PHẨM HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
Trương Ba là một người làm vườn chất phác, hiền lành, rất mực yêu quý vợ con và cháu gái. Ông nổi tiếng là một người chơi cờ giỏi và có lối sống thanh cao, vì sự tắc trách của Nam Tào mà Trương Ba đang khỏe mạnh bỗng chết một cách đột ngột. Tiên Đế Thích vì muốn có người cùng nhau đánh cờ với mình và muốn sửa sai cho Nam Tào nên đã hoá phép cho hồn Trương Ba nhập xác vào một anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đau khổ đấu tranh với những ham muốn bản năng của thân xác hàng thịt, sau một thời gian hồn Trương Ba cũng đã phần nào bị tha hoá nên gia đình ông trở nên ly tán, đau buồn. Trương Ba quyết định thắp hương gọi Tiên Đế Thích lên để rời khỏi thân xác anh hàng thịt. Đế Thích tìm mọi cách để khuyên ngăn sau đó đưa ra giải pháp khác hấp dẫn hơn đó là dẫn hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị đang hấp hối. Trương Ba xin cho cu Tị được sống và kiên quyết chọn cái chết vì ông không muốn “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”.
III. BỐ CỤC TÁC PHẨM HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
Tác phẩm có bố cục 3 phần:
Phần 1 (Từ đầu cho đến "Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!"): Cuộc đối thoại của hồn và xác.
Phần 2 (Tiếp theo cho đến "Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần"): Cuộc đối thoại giữa hồn của Trương Ba cùng mọi người trong gia đình.
Phần 3 (Đoạn còn lại): Cuộc đối thoại của hồn Trương Ba và Đế Thích cùng quyết định cuối cùng của Trương Ba.
IV. HƯỚNG DẪN SOẠN TÁC PHẨM HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
Câu 1: Qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, tìm hàm ý mà tác giả muốn gửi gắm. (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 153)
Lời giải chi tiết:
Hàm ý mà tác giả muốn gửi gắm thông qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là:
Bi kịch của con người khi không được là chính mình đó là phải sống nhờ và nương tựa vào người khác.
Tạo ra hình ảnh một người có tâm hồn thanh cao trú ngụ trong thân cục cằn, thô lỗ. Đây là một sự hoán đổi không hợp lý tạo nên vấn đề mà tác giả muốn đặt ra cho người đọc.
Trương Ba đối thoại với thể xác anh hàng thịt, ông chán ghét cái thể xác kềnh càng, thô tục và muốn được thoát khỏi nó nhưng không thể thay đổi tình thế.
⇒ Cuộc đối thoại đã làm bật lên mâu thuẫn và vấn đề có tính triết lí đó là không nên sống nương nhờ vào người khác vì khi không được làm chính mình thì sẽ có nhiều đắng cay và cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa.
Câu 2: Qua lớp kịch hồn Trương Ba và gia đình (vợ, cháu gái, con dâu), anh (chị) nhận thấy nguyên nhân nào đã khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào trạng thái bất ổn và phải chịu đau khổ? Trương Ba có thái độ như thế nào trước những rắc rối đó. (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 153)
Lời giải chi tiết:
Theo em điều khiến người thân Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào trạng thái bất ổn và phải chịu đau khổ đó là:
Lâm vào một hoàn cảnh dở khóc dở cười và vô cùng trớ trêu đó là tâm hồn cao khiết trú ngụ trong cái xác tầm thường, dung tục.
Mặc dù không muốn nhưng đôi khi Trương Ba vẫn phải làm những điều trái ngược với tư tưởng của bản thân khi thể xác đòi hỏi.
Sự thay đổi khiến người thân của Trương Ba phải chịu đựng và chứng kiến những mâu thuẫn.
Bản thân Trương Ba cũng không nhận ra chính mình, đó cũng chính là sự thật khi con người để nhu cầu thể xác lấn át tâm hồn.
⇒ Trương Ba rơi vào tình trạng bị xa lánh, không ai yêu quý và cũng không ai thấu hiểu.
Câu 3: Hãy chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống. Theo anh (chị), Trương Ba trách Đế Thích, người đem lại cho mình sự sống: "Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết!" có đúng không? Vì sao? Màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích toát lên ý nghĩa gì? (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 154)
Lời giải chi tiết:
- Sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống:
Trương Ba cho rằng mượn thân xác của người khác để trú ngụ là điều không nên và sẽ làm cho bản tính của ta dần bị mờ nhạt đi.
Đế Thích cho rằng việc mượn thân xác người khác để sống là điều bình thường, chỉ cần được sống là tốt.
- Trương Ba trách Đế Thích:
Mượn thân xác để sống nhưng tính cách của chính mình lại bị phai dần đi.
Linh hồn của ông không hề muốn sống trong thân xác của kẻ khác.
– Ý nghĩa về màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích:
Con người là một thể thống nhất, linh hồn và thể xác phải hài hoà không thể để một tâm hồn thanh cao trong một thân xác tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng thì không nên chỉ đổ tội cho thân xác đồng thời an ủi vỗ về bằng vẻ đẹp của tâm hồn.
Sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá và không được làm chính mình thì cuộc sống thật vô nghĩa.
⇒ Qua đối thoại ta thấy nhân vật đã ý thức được hoàn cảnh đầy trớ trêu và bi hài của mình.
Câu 4: Khi Trương Ba nhất quyết đòi trả xác cho hàng thịt, Đế Thích dị cho hồn Trương Ba nhập vào cu Tị, Trương Ba đã từ chối. Vì sao? (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 154)
Lời giải chi tiết:
Khi Trương Ba nhất quyết đòi trả xác cho hàng thịt, Đế Thích dị cho hồn Trương Ba nhập vào cu Tị, Trương Ba đã từ chối vì:
Ông đã thấm thía được nỗi đau khi không được là chính mình, khi bên ngoài và bên trong không có sự đồng nhất.
Không thể mãi trú ngụ nhờ thân xác của người khác vì nó sẽ làm cho tâm hồn Trương Ba dần mờ nhạt.
Trương Ba không muốn sống những ngày tháng không phải là chính mình nữa.
- Trương Ba nhận thức tỉnh táo và vì cả tình thương cu Tị nên ông đã nhường lại sự sống cho cu Tị còn mình thì chết hẳn.
Câu 5: Cảm nghĩ của anh (chị) sau khi đọc đoạn kết. (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 154)
Lời giải chi tiết:
Sau khi đọc đoạn kết em thấy nó mang ý nghĩa thúc đẩy nhận thức của con người về cách sống đồng thời tránh những tổn thương về tâm hồn. Được sống là một điều quý giá nhưng được sống là chính mình và trọn vẹn với giá trị của bản thân còn quý giá hơn.
V. LUYỆN TẬP
Đề bài: Giả định Đế Thích cho Trương Ba được quyền sống (không phải mượn) trong xác hàng thịt hoặc hồn Trương Ba nhập vào cu Tị và Trương Ba đồng ý, theo anh (chị), cuộc sống của Trương Ba khi đó sẽ như thế nào? Trình bày ý tưởng về những rắc rối sẽ xảy ra và viết một lớp kịch ngắn về điều đó. (SGK Ngữ văn 12 tập 2- trang 154)
Lời giải chi tiết:
Theo em nếu Trương Ba đồng ý thì cuộc đời ông cũng sẽ lại rơi vào bi kịch với hàng loạt những rắc rối, phiền toái của việc bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Những phiền toái sẽ khác nhau khi sống trong những cái xác khác nhau nhưng đều sẽ là sự chắp vá lố bịch và sự tham lam tai hại. Điều quan trọng nhất đó là dù cho sống trong xác ai không phải xác mình thì hồn Trương Ba cũng đều không thể có được sự thanh thản và hạnh phúc vì ông không được làm chính mình. Điều này sẽ làm tổn thương những người thân yêu của ông và gây ra những điều vô lý ở đời.