IBAITAP: Cùng ibaitap đến với bài học “Nhớ rừng” hôm nay để cảm nhận được tình cảm yêu nước mà tác giả diễn tả sâu sắc qua lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú và niềm khao khát được thoát khỏi kiếp đời nô lệ. Thấy được bút pháp lãng mạn đầy truyền cảm của tác giả.
MỤC LỤC
I. HOÀN CẢNH SÁNG TÁC TÁC PHẨM NHỚ RỪNG
Được in trong tập “Mấy vần thơ” xuất bản năm 1935. Là tác phẩm góp phần mở đường cho sự thắng lợi của thơ mới.
II. TÓM TẮT TÁC PHẨM NHỚ RỪNG
Thông qua lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú, bài thơ đã nói lên nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khao khát tự do mãnh liệt, khơi gợi lòng yêu nước của người dân mất nước thuở ấy.
III. BỐ CỤC TÁC PHẨM NHỚ RỪNG
Tác phẩm có bố cục 5 phần như sau:
Đoạn 1: Cảnh ngộ bi kịch bị tù hãm và bị biến thành thứ đồ chơi của đám người nhỏ bé mà ngạo mạn.
Đoạn 2 - 3: Nỗi nhớ nhung cùng niềm khao khát tự do mãnh liệt qua sự hoài niệm về cảnh núi rừng dữ dội tương xứng với vẻ đẹp oai hùng và sức mạnh vô biên của vị chúa sơn lâm.
Đoạn 3: Bên cạnh nỗi nhớ cùng niềm khát khao tự do và sự kiêu hãnh thì còn có cả nỗi thất vọng cùng sự nuối tiếc với tiếng thở dài đầy chua xót.
Đoạn 4: Sự khinh thường của con hổ về vẻ đơn điệu, tầm thường cùng sự giả dối của cảnh vườn Bách thú, nơi đối lập hoàn toàn với chốn núi rừng hùng vĩ.
Đoạn 5: Nỗi đau đớn và vô vọng của kẻ anh hùng sa cơ, đành thả hồn vào trong “giấc mộng ngàn to lớn” - giấc mộng về rừng thẳm cùng giấc mộng tự do.
IV. HƯỚNG DẪN SOẠN TÁC PHẨM NHỚ RỪNG
Câu 1: Bài thơ được ngắt thành 5 đoạn, hãy cho biết nội dung mỗi đoạn. (SGK Ngữ Văn 8 tập 2- trang 6)
Lời giải chi tiết:
Các đoạn thơ có nội dung như sau:
Đoạn 1: Cảnh ngộ bi kịch bị tù hãm và bị biến thành thứ đồ chơi của đám người nhỏ bé mà ngạo mạn.
Đoạn 2 - 3: Nỗi nhớ nhung cùng niềm khao khát tự do mãnh liệt qua sự hoài niệm về cảnh núi rừng dữ dội tương xứng với vẻ đẹp oai hùng và sức mạnh vô biên của vị chúa sơn lâm.
Đoạn 3: Bên cạnh nỗi nhớ cùng niềm khát khao tự do và sự kiêu hãnh thì còn có cả nỗi thất vọng cùng sự nuối tiếc với tiếng thở dài đầy chua xót.
Đoạn 4: Sự khinh thường của con hổ về vẻ đơn điệu, tầm thường cùng sự giả dối của cảnh vườn Bách thú, nơi đối lập hoàn toàn với chốn núi rừng hùng vĩ.
Đoạn 5: Nỗi đau đớn và vô vọng của kẻ anh hùng sa cơ, đành thả hồn vào trong “giấc mộng ngàn to lớn” - giấc mộng về rừng thẳm cùng giấc mộng tự do.
Câu 2: Trong bài thơ có hai cảnh được miêu tả đầy ấn tượng: cảnh vườn bách thú, nơi con hổ bị nhốt (đoạn 1 và đoạn 4) ; cảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ ngự trị những “ngày xưa” (đoạn 2 và đoạn 3). (SGK Ngữ Văn 8 tập 2- trang 6)
a. Hãy phân tích từng cảnh tượng.
b. Nhận xét việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu các câu thơ trong đoạn 2 và 3. Phân tích để làm rõ cái hay của 2 đoạn thơ này. Qua sự đối lập sâu sắc giữa hai cảnh tượng nêu trên, tâm sự con hổ ở vườn bách thú được biểu hiện như thế nào ? Tâm sự ấy có gì gần gũi với tâm sự người Việt Nam đương thời?
Lời giải chi tiết:
a.
- Đoạn 1 và đoạn 4: Cảnh vườn bách thú, nơi con hổ bị nhốt với tâm trạng ngao ngán, uất ức, căm hờn, mất tự do.
Uất hận, căm hờn khi bị rơi vào tù hãm.
Bị nhốt cùng bọn gấu dở hơi, cùng cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Khinh lũ người nhỏ bé, ngạo mạn, ngẩn ngơ.
Ghét những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối.
Nhớ về cảnh đại ngàn cao cả, âm u
- Đoạn 2 và đoạn 3 : Miêu tả cảnh hùng vĩ của núi rừng nhằm làm bật lên vẻ oai phong, lẫm liệt của vị chúa tể.
Con hổ đầy quyền uy, sức mạnh, tham vọng trước đại ngàn.
Nỗi nhớ về một thời oanh liệt, huy hoàng trong quá khứ.
b. Đoạn 2 và đoạn 3 : Đặc biệt ở từ ngữ, hình ảnh và giọng điệu:
- Về từ ngữ :
Diễn tả vẻ đẹp và tầm vóc của đại ngàn bằng những từ : bóng cả, cây già, giang sơn
Sự oai hùng của vị chúa tể sơn lâm được làm rõ qua những động từ mạnh : thét, quắc, hét, ghét, dữ dội.
Sử dụng từ cảm thán (than ôi), điệp từ (đâu những), câu hỏi tu từ: Gợi nhắc lại quá khứ oai hùng và sự tiếc nuối về những ngày tự do đã mất.
- Về hình ảnh:
Sức mạnh của con hổ được diễn tả bằng hình ảnh : mắt thần khi đã quắc, lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, uống ánh trăng tan, ngắm giang sơn, giấc ngủ tưng bừng.
Hình ảnh núi rừng : đêm, mưa, nắng, hoàng hôn, bình minh đẹp lộng lẫy, bí hiểm.
- Về giọng điệu : Đanh thép, bi tráng, hào sảng tái hiện lại thời oanh liệt, huy hoàng của chúa sơn lâm khi còn được tự do.
c. Sự đối lập sâu sắc giữa cảnh tượng núi rừng với cảnh tượng vườn bách thú :
Tâm trạng nhàm chán, căm phẫn, khinh ghét của vị chúa tể khi ở vườn bách thú >< tâm trạng vui vẻ, sự oai hùng, lẫm liệt khi ở đại ngàn.
⇒ Tâm sự của con hổ đã ẩn dụ cho tâm trạng của người dân mất nước thuở ấy, luôn cảm thấy căm hờn, tủi nhục, chán ghét thực tại và họ tiếc nuối về một thời oanh liệt, vàng son, huy hoàng của ông cha.
Câu 3: Căn cứ vào nội dung bài thơ, hãy giải thích vì sao tác giả mượn “lời con hổ ở vườn bách thú”. Việc mượn lời đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung cảm xúc bài thơ ? (SGK Ngữ Văn 8 tập 2- trang 6)
Lời giải chi tiết:
Với hình ảnh con hổ, Thế Lữ đã có một biểu tượng rất thích hợp và đẹp đẽ thể hiện chủ đề bài thơ.
- Con hổ có một vẻ đẹp oai hùng còn được coi là chúa sơn lâm, huy hoàng và đầy hống hách ở chốn đại ngàn sâu thẳm, trong vũ trụ rộng lớn, nay lại bị giam hãm trong cũi sắt là biểu tượng rất đắt về người anh hùng chiến bại mang tâm sự u uất. U uất vì tù túng mà phải chấp nhận những sự tầm thường, giả dối, chấp nhận những cái tẻ nhạt.
- Cảnh rừng khoáng đạt và hùng vĩ - giang sơn của vị chúa tể sơn lâm là biểu tượng của Thế giới rộng lớn, tự do và cao cả.
- Mượn lời con hổ ở vườn bách thú để tránh sự kiểm duyệt ngặt nghèo của thực dân.
- Việc mượn lời con hổ ở vườn bách thú là cách để Thế Lữ dễ dàng thể hiện tâm trạng và khát vọng tự do thầm kín của mình.
Câu 4 : Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét về thơ Thế Lữ: “Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” (Thi nhân Việt Nam, Sđd). Em hiểu như thế nào về ý kiến đó? Qua bài thơ, hãy chứng minh. (SGK Ngữ Văn 8 tập 2- trang 6)
Lời giải chi tiết:
- Hoài Thanh trong nhận định về thơ Thế Lữ “Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường”. Ông như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” đã nói lên nghệ thuật sử dụng từ ngữ vừa tinh tế, vừa điêu luyện, lại lãng mạn, đạt tới độ chính xác cao và cũng chính là yếu tố quan trọng để tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của tác phẩm.
- Đặc biệt, từ ngữ được sử dụng trong bài “Nhớ rừng” được xuất phát từ sự thôi thúc của tâm trạng khinh ghét và căm phẫn cuộc sống hiện tại.
- “Chữ bị xô đẩy” bắt nguồn từ giọng điệu phong phú, linh hoạt lúc dồn dập oai hùng, lúc trầm lắng suy tư, âm điệu dồi dào và ngắt nhịp linh hoạt.
- “Dằn vặt bởi sức mạnh phi thường”: khao khát được tự do, vượt thoát khỏi thực tại tầm thường, sự tù túng và giả dối.
- Ngôn ngữ có chiều sâu và tạo dựng được ba hình tượng với nhiều ý nghĩa ( con hổ, vườn bách thú, núi rừng).
- “Đội quân việt ngữ” có thể bao gồm nhiều yếu tố như: Những từ ngữ ở đây là những từ ngữ diễn tả mạnh mẽ, đầy gợi cảm và giàu chất tạo hình như khi đặc tả cảnh sơn lâm hùng vĩ, gây cho người đọc nhiều ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp vừa phi thường tráng lệ, thơ mộng.
- Các cấu trúc ngữ pháp, nhịp điệu và nhạc điệu phong phú, giàu sức biểu cảm, âm điệu dồi dào và cách ngắt nhịp linh hoạt.
- Thế Lữ là một cây bút tiên phong cho phong trào Thơ mới vì thế sự thôi thúc vượt thoát khỏi những chuẩn mực cũ đã giúp ông chủ động khi sử dụng ngôn ngữ.