I. ĐỊNH LUẬT ÔM LÀ GÌ?

Định luật Ôm hay định luật Ohm là định luật vật lý biểu diễn sự phụ thuộc của 3 đại lượng: dòng điện, hiệu điện thế và điện trở được phát biểu như sau:

“Cường độ dòng điện đi qua dây dẫn sẽ tỷ lệ thuận với hiệu điện thế đi qua dây dẫn và tỉ lệ nghịch với điện trở của dây dẫn.”

II. ĐỊNH LUẬT ÔM CHO TOÀN MẠCH

Trong toàn mạch điện, định luật Ôm được phát biểu như sau: “Cường độ dòng điện chạy trong mạch kín sẽ tỉ lệ thuận với suất điện động của nguồn điện và tỉ lệ nghịch với điện trở toàn phần của mạch đó.”

III. CÔNG THỨC ĐỊNH LUẬT ÔM

1. Công thức chung

Theo phát biểu của định luật Ôm: “Cường độ dòng điện đi qua dây dẫn sẽ tỷ lệ thuận với hiệu điện thế đi qua dây dẫn và tỉ lệ nghịch với điện trở của dây dẫn.”, ta biểu diễn như sau:

\(I=\frac{U}{R}\)

Trong đó:

  • I: Cường độ dòng điện (A)
  • U: Hiệu điện thế đi qua dây dẫn(V)
  • R: Điện trở của dây dẫn (Ω)

2. Công thức cho toàn mạch

Theo phát biểu của định luật Ôm cho toàn mạch:  “Cường độ dòng điện chạy trong mạch kín sẽ tỉ lệ thuận với suất điện động của nguồn điện và tỉ lệ nghịch với điện trở toàn phần của mạch đó.”, ta biểu diễn định luật Ôm cho toàn mạch như sau:

\(I=\frac{ξ }{R+ r}=\frac{ξ -U_{AB}}{r}\)

Trong đó:

  • I: Cường độ dòng điện trong mạch kín (A )
  • ξ: Suất điện động nguồn (V)
  • r: Đện trở trong nguồn (Ω)
  • R: Điện trở mạch ngoài (Ω)
  • \(U_{AB}\): Hiệu điện thế mạch ngoài (V)

Nhận xét:

  • Nếu mạch hở (I = 0) hay điện trở trong r = 0 thì \(U_{AB} = ξ\).
  • Nếu điện trở ngoài R = 0 thì \(I_{max} = I = \frac{ξ}{r}\), khi đó nguồn bị đoản mạch hay chập mạch,

IV. BÀI TẬP THAM KHẢO

Ví dụ: Dùng một nguồn điện để thắp sáng lần lượt hai bóng đèn có điện trở \(R_1\) = 2 (Ω) và \(R_2\) = 8 (Ω), khi đó công suất tiêu thụ của hai bóng đèn là như nhau. Điện trở trong của nguồn điện bằng bao nhiêu?

Lời giải tham khảo:

Công suất tiêu thụ của 2 bóng đèn là:

  • \(P_1=R_1.I_1^2=R_1.(\frac{ξ }{R_1+ r})^2\)
  • \(P_2=R_2.I_2^2=R_2.(\frac{ξ }{R_2+ r})^2\)

Mà theo đề bài \(P_1 =P_2\)

⇒ \(R_1.(\frac{ξ }{R_1+ r})^2=R_2.(\frac{ξ }{R_2+ r})^2\)

Thay \(R_1\) = 2 (Ω) và \(R_2\) = 8 (Ω)

⇒ r = 4 (Ω)