[SOẠN BÀI] CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG

Câu 1: Các điệu hò xứ Huế gắn bó như thế nào với cuộc sống của con người? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 48)

Lời giải chi tiết:

Các điệu hò xứ Huế gắn bó mật thiết và rất sâu sắc đối với cuộc sống của con người, nó xuất hiện khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm. Mỗi một câu hò Huế dù cho ngắn hay dài đều được gửi gắm một ý tình trọn vẹn. 

Câu 2: Ca Huế được trình diễn trong thời gian, không gian đặc biệt nào? Theo em, thời gian, không gian ấy tác động như thế nào đến việc thưởng thức ca Huế? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 48)

Lời giải chi tiết:

- Ca Huế thường được diễn vào buổi đêm trên thuyền rồng, giữa sông Hương trăng thanh gió mát. Khi thành phố lên đèn như sao sa, màn sương dần dày lên, cảnh vật thì mờ đi trong một màu trắng đục, xa xa bờ bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng. 

⇒ Không gian cổ kính, trang trọng với cảnh sông nước buổi đêm đẹp thơ mộng say đắm lòng người. Càng về khuya thì càng yên tĩnh, chính thời gian và không gian ấy đã làm ca Huế nghe buồn man mác thương cảm, bi ai và vương vấn.

Câu 3: Theo văn bản, ca Huế được hình thành từ đâu? Nguồn gốc đặc biệt ấy mang lại cho ca Huế vẻ đẹp gì? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 48)

Lời giải chi tiết:

- Theo văn bản ca Huế được hình thành và nuôi dưỡng từ dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình. 

- Nguồn gốc ấy đã mang lại cho ca Huế một vẻ đẹp đặc biệt, phong phú, đa dạng. Nó vừa sôi nổi tươi vui vừa trang trọng, uy nghi từ khúc điệu, thể điệu cho đến âm hưởng và lời ca. 

Câu 4: Nêu tác dụng của việc kết hợp các yếu tố có vai trò kể chuyện, miêu tả, bộc lộ cảm xúc, bình luận,… trong văn bản. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 48)

Lời giải chi tiết:

Nó giúp người đọc hiểu được nguồn gốc, đặc điểm, cách biểu diễn, cách thưởng thức và thể hiện được tình cảm cùng thái độ của người viết đồng thời nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa của ca Huế. 

Câu 5: Nhận xét về tình cảm tác giả dành cho ca Huế, xứ Huế. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 48)

Lời giải chi tiết:

Tác giả đã dành những lời nói đẹp nhất, hay nhất để ca ngợi  thú chơi tao nhã của con người núi Ngự sông Hương đã bao đời nay. Điều đó đã cho ta thấy tình yêu cùng niềm tự về một sản phẩm văn hoá độc đáo của quê hương. Tác giả nâng niu, trân trọng, giữ gìn và tôn vinh những di sản tinh thần quý giá của dân tộc.