I. TRƯỚC KHI ĐỌC
Câu hỏi: Hãy nêu tên những truyện cười mà em biết. Chọn kể một truyện cười em cho là thú vị. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 108)
Lời giải chi tiết:
- Truyện cười mà em biết gồm: Thầy bói xem voi, Đi chợ,..
- Kể lại truyện Thầy bói xem voi: Có 5 ông thầy bói mù cùng nhau góp tiền để xem con voi có hình thù thế nào. Mỗi ông được cho sờ một bộ phận của voi và ai cũng khăng khăng là mình đúng. Ông sờ vòi bảo con voi sun sun như con đỉa, ông sờ ngà bảo con voi chần chẫn như cái đòn càn, ông sờ tai bảo con voi như cái quạt thóc, ông sờ chân nói con voi như cái cột đình còn ông sờ đuôi lại bảo con voi tun tủn như cái chổi sể cùn. Năm ông thầy bói cứ cãi nhau rồi lao vào đánh nhau toác đầu chảy máu.
II. ĐỌC VĂN BẢN
Câu 1: Cách hỏi và cách trả lời của hai nhân vật. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 108)
Lời giải chi tiết:
Cách hỏi của hai nhân vật không có vấn đề gì nhưng cách trả lời thì quá thừa thãi.
→ Cách hỏi và trả lời đều mang ý khoe mẽ về lợn cưới - áo mới.
Câu 2: Hành động của nhà hàng mỗi khi có người nhận xét cái biển. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 109)
Lời giải chi tiết:
Mỗi khi có người nhận xét về cái biển thì nhà hàng đều sửa lại theo ý kiến đó.
Câu 3: Vì sao nhà hàng cất cái biển? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 109)
Lời giải chi tiết:
Vì nhà hàng đã nghe được lời nhận xét “Chưa đi đến đầu phố, đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần đầy những cá, ai chẳng biết mà còn để biển làm gì nữa”.
Câu 4: Chú ý độ dài của chiếc ghe. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 109)
Lời giải chi tiết:
Chiếc ghe được miêu tả độ dài phóng đại: dài không lấy gì đo cho xiết. Một người tuổi hai mươi đứng ở đầu mũi bắt đầu đi ra đằng lái, đi đến giữa cột buồm thì đã già, râu tóc bạc phơ, cứ thế đi, đến chết vẫn chưa tới lái.
Câu 5: Chú ý chiều cao của cái cây. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Chiều cao của cái cây đã được miêu tả một cách phóng đại: cao ghê gớm. Có một con chim đậu trên cành cây ấy, đánh rơi một hột đa. Hột đa rơi xuống lưng chừng gặp mưa, gặp bụi rồi nảy mầm, đâm rễ thành cây đa. Cây đa lớn lên, sinh hoa, kết quả, hột đa ở cây đa đó lại rơi vãi ra, đâm chồi nảy lộc thành nhiều cây đa con. Đa con lớn lên, sinh hoa kết quả, lại nảy ra đàn cây đa cháu, cứ thế mãi cho đến khi rơi tới đất thì đã bảy đời tất cả.
III. SAU KHI ĐỌC
Câu 1: Các truyện Lợn cưới, áo mới, Treo biển, Nói dóc gặp nhau phê phán những tính xấu nào của con người? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Truyện phê phán tính xấu khoe của, không có chứng kiến và nói dối của con người.
Câu 2: Đối thoại của hai nhân vật trong truyện Lợn cưới, áo mới có gì đặc biệt? Trong tình huống đó, cách hỏi và trả lời thông thường sẽ như thế nào? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Đặc biệt ở chỗ thay vì trả lời đúng trọng tâm thì hai nhân vật lại khoe khoang những thứ không liên quan đến điều mà người hỏi cần. Trong tình huống đó cách hỏi và trả lời thông thường là: Bác có thấy con lợn nào chạy qua đây không - Tôi không thấy con lợn nào cả.
Câu 3: Tính cách anh chàng có áo mới trong truyện Lợn cưới, áo mới được thể hiện qua những chi tiết nào? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Tính cách của anh chàng được thể hiện qua chi tiết:
- Mặc áo mới ra cửa đứng mong có ai ngang qua sẽ khen nhưng đứng từ sáng đến chiều mà chả có ai ngó đến.
- Trả lời thừa thãi “từ lúc mặc áo mới thì không thấy con lợn nào chạy qua cả".
Câu 4: Nhà hàng bán cá trong truyện Treo biển đã hành động như thế nào trước những lời nhận xét của mọi người? Nếu là chủ nhà hàng thì em sẽ làm gì trước những lời nhận xét đó? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Nhà hàng bán cá mỗi khi nghe được lời nhận xét đều làm theo - bỏ dần các chữ trên biển. Nếu em là chủ nhà hàng cá thì em vẫn sẽ tiếp thu nhận xét của mọi người nhưng em sẽ suy nghĩ thật kĩ xem lời nhận xét nào là phù hợp nhất.
Câu 5: Ở truyện Treo biển, sự lặp lại tình huống bị chê – gỡ biển nhiều lần có tác dụng gì? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Tình huống bị chê – gỡ biển lặp lại nhiều lần nhằm phê phán những người không có chính kiến của bản thân mà chỉ biết làm theo những lời góp ý không cần phân biệt đúng sai.
Câu 6: Có điều gì khác thường ở lời nói của hai nhân vật trong truyện Nói dóc gặp nhau? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Sự khác thường là:
- Lời nói của anh đầu tiên đã thể hiện tính nói khoác lác, ba hoa.
- Lời nói của anh thứ hai tuy khoác lác nhưng có ngụ ý chê bai và phê phán thói nói dối của anh thứ nhất.
Câu 7: Theo em, trong Nói dóc gặp nhau, chi tiết nào tạo ra sự bất ngờ cho truyện? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 110)
Lời giải chi tiết:
Chi tiết tạo bất ngờ trong truyện là anh chàng đi làm ăn xa muốn khoác lác về phương xa xứ lạ để lừa mọi người trong làng cho vui nhưng không ngờ lại bị anh chàng nói dóc trong làng bóc mẽ. Anh chàng nói dóc trong làng đã “gậy ông đập lưng ông” để anh chàng đi xa về tự phủ định mình.
Câu 8: Đối với thói hư tật xấu của con người, truyện cười có thể đả kích, lên án hay bông đùa, giễu cợt nhẹ nhàng, giáo dục kín đáo. Em có nhận xét gì về sắc thái của tiếng cười trong mỗi câu chuyện ở bài học này? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 111)
Lời giải chi tiết:
Mỗi câu chuyện cười đều mang giọng mỉa mai - châm biếm, tạo ra những yếu tố vô lí và thiếu logic để tạo nên tiếng cười phê phán những thói hư tật xấu.
IV. VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về một tính cách đáng phê phán được nói đến trong những truyện cười trên. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 111)
Lời giải chi tiết:
Truyện cười là một sản phẩm sáng tạo của trí tuệ dân gian, nó được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Truyện cười được sáng tác không chỉ với mục đích mang đến tiếng cười giải trí mà nó còn ngầm phê phán những thói hư tật xấu thông qua đó gửi gắm những bài học có ý nghĩa sâu sắc. Khoe khoang là một trong những hành vi của con người, nhằm gây sự chú ý bằng cách nói ra cái tài, cái giỏi của mình cho người khác biết, hay tìm cách che giấu sự thua kém không bằng người khác. Tuy rằng đó không phải một đức tính tốt nhưng trong một số trường hợp nó cũng mang lại mặt tích cực chỉ cần bạn biết cách khoe khoang một cách nhẹ nhàng và tế nhị. Nếu ta phô trương là quá tự tin, tự kiêu hay khoe khoang quá đà thì hình ảnh người phô trương sẽ không được sự tôn trọng của mọi người mà thậm chí mọi người coi thường. Những người phô trương sẽ khó nhận được sự tin tưởng mà họ sẽ mãi chạy theo danh hão và nó sẽ cản trở thành công của họ. Nếu chúng ta khiêm tốn, biết mình biết ta thì đó lại là biểu hiện của lối sống chân thực, chân thành, của những phẩm chất cao quý, nó nâng cao giá trị của mỗi con người. Ta sẽ có được sự tôn trọng, đề cao của mọi người và sẽ thành công trong cuộc sống. Bằng những hành động cụ thể mỗi cá nhân có thể đóng góp cho cộng đồng, nó không chỉ giúp nâng cao năng lực của bản thân mà còn giúp hoàn thiện nhân cách, thúc đẩy xã hội cùng tiến bộ, phát triển.