[SOẠN BÀI] CHUYỆN CƠM HẾN

I. TRƯỚC KHI ĐỌC 

Câu 1: Mỗi vùng miền trên thế giới đều có những nét riêng trong phong cách ẩm thực. Hãy chia sẻ hiểu biết của em về vấn đề này. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 111) 

Lời giải chi tiết:

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có nền ẩm thực đặc trưng mà không thể lẫn với bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ như Nhật Bản có sushi, Hàn Quốc có bibimbap, Việt Nam có phở hay Thái Lan có somtam. 

Câu 2: Nếu được yêu cầu giới thiệu về một món đặc sản quê em, em sẽ chọn món nào. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 111) 

Lời giải chi tiết:

Nếu được giới thiệu về một đặc sản quê em, em sẽ chọn dê núi Ninh Bình. Đây là món ăn được chế biến từ thịt dê sống ở miền núi đá vôi của người Ninh Bình như tái dê, lẩu dê, dê xào, dê nướng, dê né, dê hấp, dê hầm.

II. ĐỌC VĂN BẢN 

Câu 1: Chú ý nét riêng trong khẩu vị của người Huế. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 111)

Lời giải chi tiết:

Nét riêng trong khẩu vị của người Huế đó là phải nêm đủ vị mặn, lạt, chua, cay và ngọt bùi.

Câu 2: Tác giả là người vùng nào? Chi tiết nào cho thấy điều đó. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 112)

Lời giải chi tiết:

Tác giả là người Huế, chi tiết cho em thấy điều đó là: Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay….

Câu 3: Chú ý câu văn nêu ý kiến riêng của tác giả về món ăn đặc sản. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 113)

Lời giải chi tiết:

Câu văn nêu ý kiến riêng của tác giả về món ăn đặc sản là: “Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa, cứ phải giống y như ngày xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”.

Câu 4: Chú ý các nguyên liệu làm cơm hến. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 113)

Lời giải chi tiết:

Nguyên liệu làm cơm hến gồm: Hến, bún tàu, măng khô, thịt heo thái chỉ, rau sống, môn bạc hà, khế, rau thơm, giá trần và bông vạn thọ vàng.

Câu 5: Chú ý vị thứ mười lăm của cơm hến. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 115)

Lời giải chi tiết:

Vị thứ mười lăm của cơm hến đó là lửa.

III. SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Những chi tiết nào cho thấy cơm hến là món ăn bình dân? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 115) 

Lời giải chi tiết:

Những chi tiết cho thấy cơm hến là món ăn bình dân đó là: hến, bún tàu, rau sống, ớt, ruốc, bánh tráng, muối rang, đậu phộng.

Câu 2: Món cơm hến cho thấy đặc điểm gì trong phong cách ăn uống của người Huế? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 115) 

Lời giải chi tiết:

Món cơm hến đã cho ta thấy phong cách ăn uống của người Huế đó là phải ăn cay mặt khác cơm hến cũng là kết quả của một nghệ thuật vì nó chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ rất hợp với đặc trưng của người Huế.

Câu 3: Chuyện cơm hến có phải chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn không? Tác giả bàn tới những điều gì xung quanh món cơm hến? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 115) 

Lời giải chi tiết:

- Tác giả không chỉ đơn giản là giới thiệu món ăn mà còn bàn tới những điều khác xung quanh món cơm hến:

  • Trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ chính là yếu tố văn hoá quan trọng để bảo toàn di sản.
  • Món ăn đặc sản cũng giống với di tích văn hóa, mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách và nó chỉ tạo nên “đồ giả”. 

Câu 4: Theo em, tại sao tác giả lại cho rằng “một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hóa”? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 116) 

Lời giải chi tiết:

Theo em, tác giả cho rằng như vậy vì mọi ý đồ cải tiến như cải tiến di tích văn hóa đều mang tính phá phách và nó chỉ tạo nên những “đồ giả”.

Câu 5: Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi cho em suy nghĩ gì về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của cư dân bản địa? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 116) 

Lời giải chi tiết:

- Hình ảnh trên đã gợi cho em về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân xứ Huế: Tác giả thắc mắc khi thấy chị làm cơm hến rất tỉ mẩn, công phu mà chỉ bán có “năm trăm đồng bạc”, tác giả kêu chị làm kĩ như vậy làm gì cho mất công./ Chị bán hàng giận dỗi: “Nói như cậu thì … còn chi là Huế”. 

⇒ Đây chính là ý thức để giữ gìn bản sắc văn hoá của cư dân bản địa, dù bán một suất cơm hến không lời lãi là bao nhưng họ không bỏ qua bước nào mà vẫn cẩn thận, tỉ mẩn làm đủ các bước cho món ăn đặc sản này.

Câu 6: Tìm những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn Chuyện cơm hến giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 116) 

Lời giải chi tiết:

Những từ ngữ của bài văn cho thấy lời văn của tác giả như đang trò chuyện với bạn đọc đó là: Tôi xin giới thiệu, vậy thì cơm hến là gì?, tôi nghĩ rằng, xin tiếp tục chuyện cơm hến.

Câu 7: Em cảm nhận như thế nào về cái tôi của tác giả được thể hiện trong Chuyện cơm hến? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 116) 

Lời giải chi tiết:

Em cảm thấy tác giả là một người yêu quê hương và thấu hiểu sâu sắc về các món ăn đặc sản của quê hương mình. Chính vì vậy mà ông viết tản văn “Chuyện cơm hến” không phải chỉ để giới thiệu về một món ăn mà như đang bày tỏ lòng mình và kể cho người đọc nghe về món cơm hến đậm đà bản sắc dân tộc. 

IV. VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC 

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hóa nơi em đang sống. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 116) 

Lời giải chi tiết:

Quê em ở Nha Trang và nhà em rất gần biển. Vào những đêm trăng đẹp cả nhà em thường ra biển ngồi ngắm trăng. Biển ở quê em rất tuyệt vào những đêm trăng sáng. Mặt biển như một tấm thảm dát vàng khổng lồng, xa xa là ánh đèn trên những chiếc thuyền câu lúc ẩn lúc hiện như những ánh sao trong đêm. Trên bãi biển những du khách đang tản bộ một cách thanh bình, họ đang tận hưởng vẻ đẹp kì diệu và êm đềm của đêm trăng. Chơi hết cả buổi nhưng em vẫn không muốn về vì tiếc nuối vẻ đẹp của đêm trăng.