[SOẠN BÀI] ĐỒNG DAO MÙA XUÂN

I. TRƯỚC KHI ĐỌC

Câu 1: Khi nghe nói đến cụm từ thơ bốn chữ, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí em là gì? Em biết những bài thơ bốn chữ nào? Hãy chia sẻ cảm xúc của em về một bài thơ bốn chữ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 39)

Lời giải chi tiết: 

- Khi nghe nói đến cụm từ thơ bốn chữ, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí của em đó là bài thơ có nhiều dòng thơ và mỗi dòng thơ có bốn chữ/tiếng.

- Một số bài thơ em biết gồm: Lượm, Mẹ, Mẹ yêu. Đây là những bài thơ dễ nhớ, dễ thuộc và mang trong mình những cảm xúc riêng. 

Câu 2: Chia sẻ cảm nhận của em về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 40)

Lời giải chi tiết:  

Anh bộ đội Cụ Hồ nghị lực, kiên cường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.


II. ĐỌC VĂN BẢN 

Câu 1: Số tiếng trong mỗi dòng thơ, vần thơ, nhịp thơ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 40)

Lời giải chi tiết: 

Mỗi dòng thơ có 4 tiếng, vần thơ tự do và nhịp thơ linh hoạt 2/2, 3/1.

Câu 2: Hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa”. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 40)

Lời giải chi tiết: 

Hình ảnh người lính trong “những năm máu lửa” đó là những chàng thanh niên chân chất, hồn nhiên, vô tư và chưa trải sự đời. 

Câu 3: Hình ảnh người lính ở lại nơi chiến trường xưa trong tưởng tượng của tác giả. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 40)

Lời giải chi tiết: 

Tuy ở lại chiến trường một mình nhưng anh vẫn như đang chiến đấu cùng với đồng đội, tâm thái vẫn rất hồn hậu và hiền lành. 

III. SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Cách chia khổ của bài thơ có gì đặc biệt? Hãy nêu tác dụng của cách chia đó. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41)

Lời giải chi tiết:

Bài thơ chia có khổ 3 dòng, có khổ 4 dòng và có khổ 2 dòng thơ, đây là cách chia khổ rất đặc biệt việc chia khổ như vậy có tác dụng phù hợp với mạch cảm xúc của bài thơ đồng thời phù hợp với tâm trạng của tác giả.

Câu 2: Nêu nhận xét của em về số tiếng trong mỗi dòng và cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41)

Lời giải chi tiết:

Mỗi dòng thơ có 4 tiếng, vần thơ tự do và nhịp thơ linh hoạt 2/2, 3/1.

Câu 3: Đọc bài thơ, ta như được nghe một câu chuyện về cuộc đời người lính. Em hình dung câu chuyện đó như thế nào? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41)

Lời giải chi tiết:

Đọc bài thơ em có thể hình dung câu chuyện về cuộc đời người lính từ lúc vào chiến trường đến lúc hi sinh:

  • Tham gia chiến đấu khi đất nước đang sôi sục những cuộc chiến.
  • Khi hoà bình trở lại, người lính ấy không thể trở về quê hương được nữa.
  • Người lính ấy đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh.

Câu 4: Hãy tìm những chi tiết khắc họa hình ảnh người lính. Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm gì? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41) 

Lời giải chi tiết:

- Những chi tiết được nhà thơ sử dụng để khắc hoạ người lính là: “chưa một lần yêu/ cà phê chưa uống/ còn mê thả diều”; “anh thành ngọn lửa”; “anh không về nữa/anh vẫn một mình”; “ba lô con cóc/ tấm áo màu xanh/ làn da sốt rét/ cái cười hiền lành”; “Anh ngồi lặng lẽ”; “anh ngồi rực rỡ”.

- Hình ảnh người lính hiện lên qua những chi tiết trên là: 

  • Giản dị, mộc mạc và chất phác.
  • Không ngại gian khó và hi sinh quên mình.
  • Tinh thần lạc quan, yêu đời và đoàn kết thương yêu nhau.

Câu 5: Nêu cảm nhận của em về tình cảm mà đồng đội và nhân dân dành cho những người lính đã hi sinh được thể hiện trong bài thơ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41) 

Lời giải chi tiết:

- Tình cảm đồng đội: Sự đùm bọc, gắn bó keo sơn của những người lính bên nhau giữa mưa bom, lửa đạn. Là sự sẻ chia khi sát cánh chiến đấu và là sự tiếc nuối, bâng khuâng khi dõi theo bạn bè khi lỡ hi sinh, tử trận ⇒ Đây là những tình cảm cao cả, đẹp đẽ của những người lính trong chiến đấu.

- Tình cảm của nhân dân: Nó không được thể hiện trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp thông qua những dòng thơ đầy giá trị cảm xúc ⇒ Đây chính là tình cảm yêu mến, sự trân trọng của nhân dân để khắc hoạ lên chân dung người lính đẹp đẽ và thơ mộng. 

Câu 6: Theo em, tên bài thơ Đồng dao mùa xuân có ý nghĩa như thế nào? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41) 

Lời giải chi tiết:

Tên bài thơ hiểu theo cách đơn giản đó là cùng nhau ca hát về mùa xuân tuy nhiên đối với Nguyễn Khoa Điềm, bài thơ không chỉ là hát về mùa xuân mà nó còn hát về những người lính cụ Hồ đã hi sinh bảo vệ Tổ Quốc, để đất nước luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống như mùa xuân. Hát về mùa xuân chính là hát về những người lính anh dũng, hát về niềm tin và cả sự lạc quan yêu đời. 

IV. VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC 

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về người lính trong bài thơ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 41) 

Lời giải chi tiết:

Một trong những đề tài tốn nhiều giấy mực nhất của các nhà văn, nhà thơ thời kì kháng chiến đó là đề tài người lính. Nguyễn Khoa Điềm đã góp nhặt vào đề tài đó bài thơ “Đồng dao mùa xuân”. Những người lính trong bài thơ hiện lên giản dị, mộc mạc và chất phác “chưa một lần yêu/ cà phê chưa uống/ còn mê thả diều” nhưng cũng rất anh dũng và kiên cường  “anh thành ngọn lửa”. Trải qua những gian lao, thử thách tình đồng chí đồng đội lại càng gắn bó, đoàn kết và yêu thương lẫn nhau. Mặc dù chiến trường khốc liệt, gian khổ là thế nhưng các chiến sĩ vẫn rất lạc quan, rất yêu đời. Thông qua bài thơ người đọc có thể thấy được tình cảm của tác giả cũng như tình cảm của người dân đối với thế hệ cha anh đã hi sinh để bảo vệ Tổ Quốc. Các anh mãi mãi là người hùng, mãi mãi sống cùng non sông đất nước và mãi sống trong lòng người dân Việt.