[SOẠN BÀI] ĐỨC TÍNH GIẢN DỊ CỦA BÁC HỒ

I. CHUẨN BỊ

Yêu cầu: (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 40)

- Đọc trước văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Phạm Văn Đồng.

- Sưu tầm một số mẩu chuyện về đức tính giản dị của Bác Hồ.

Lời giải chi tiết: 

- Tác giả Phạm Văn Đồng:

  • Phạm Văn Đồng (1906 -2000) sinh ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm và là một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, nhà giáo dục tâm huyết và một nhà văn hóa, văn nghệ lớn. Ông là Thủ tướng đầu tiên và cũng là vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 cho đến 1987 (nghỉ hưu). Phạm Văn Đồng là một học trò, một cộng sự của chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có rất nhiều đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:chính trị, quân sự, văn học.
  • Văn phong của Phạm Văn Đồng đầy nhiệt huyết và lôi cuốn người đọc bằng những luận điểm mới mẻ, sâu sắc với lời văn trong sáng, nhiều hình ảnh. 
  • Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Văn hóa đổi mới.

- Mẩu chuyện về đức tính giản dị của Bác Hồ: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, qua Văn phòng để nghỉ lại một lát vì mệt. Anh Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với nhà bếp: Bác mệt không ăn được cơm, cô nấu cho Bác bát cháo. Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền nhổm dậy bảo: Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín mà vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.

II. CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu 1: Phần 1 nêu vấn đề trực tiếp hay gián tiếp? Câu nào chứa đựng thông tin chính? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 40)

Lời giải chi tiết: : 

Phần 1 nêu lên vấn đề trực tiếp. Câu chứa đựng thông tin chính là: Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.

Câu 2: Lí lẽ được dùng kết hợp với dẫn chứng phần 2 như thế nào? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 40)

Lời giải chi tiết: : 

- Lí lẽ được dùng kết hợp với dẫn chứng phần 2 chặt chẽ, chính xác, cụ thể để chứng minh cho sự giản dị trong tác phong sinh hoạt và đời sống của Bác.

Câu 3: Phần 3 nêu lí lẽ hay bằng chứng? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 41)

Lời giải chi tiết: : 

Phần 3 nêu lên lí lẽ “Đời sống vật chất giản dị hòa với đời sống tâm hồn phong phú”.

Câu 4: Tác giả nêu lên vấn đề gì trong phần 4? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 41)

Lời giải chi tiết: : 

Phần 4 tác giả nêu vấn đề là: Bác giản dị cả trong lời nói và bài viết.

III. CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1: Vấn đề chính mà tác giả Phạm Văn Đồng nêu lên trong văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ là gì? Người viết đã làm sáng tỏ quan điểm đó từ những phương diện nào trong đời sống và con người của Bác? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết: : 

- Vấn đề chính mà tác giả nêu lên trong văn bản đó là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường giản dị, vô cùng khiêm tốn.

- Tác giả đã làm sáng tỏ quan điểm đó từ những phương diện trong đời sống và con người của Bác như:

  • Giản dị trong bữa cơm, đồ dùng, cái nhà và lối sống.
  • Giản dị trong đời sống và cả mối quan hệ với mọi người.
  • Giản dị cả trong lời nói và bài viết.

Câu 2: Chỉ ra trình tự triển khai nội dung, từ đó, nếu bố cục của văn bản. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết: : 

- Văn bản được triển khai theo trình tự: nêu vấn đề → đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng chứng minh vấn đề → khái quát lại vấn đề.

- Văn bản có bố cục 3 phần:

  • Mở bài: nêu vấn đề.
  • Thân bài: giải quyết vấn đề.
  • Kết bài: khái quát lại vấn đề.

Câu 3: Nhận xét về cách viết nghị luận của tác giả ở phần 2. Điều gì làm nên sức thuyết phục của phần này? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết: : 

- Cách viết nghị luận của tác giả ở phần 2 là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chứng minh, bình luận và biểu cảm tạo nên tính hiện thực, tính trữ tình. Đồng thời nó cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tình cảm chân thành của tác giả. 

- Điều làm nên sức thuyết phục cho phần này chính là các lí lẽ kết hợp với những dẫn chứng xác thực và đáng tin cậy. 

Câu 4: Trong phần 4, để người đọc hiểu sâu sắc hơn về đức tính giản dị của Bác và sức mạnh của phẩm chất cao quý đó, người viết đã thuyết phục như thế nào? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết: : 

Người viết đã thuyết phục người đọc bằng những câu nói cô đọng, hàm súc về nội dung cùng ý nghĩa ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc của Bác. Sau đó đưa ra những lời bình luận “Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng”  lời bình ấy đã đề cao sức mạnh phi thường của những chân lí mà Bác nêu ra dưới hình thức những câu nói tự nhiên, mộc mạc, giản dị mà sâu sắc. Lời nói của Bác đã khơi dậy lòng yêu nước cùng ý chí cách mạng trong quần chúng nhân dân. 

Câu 5: Theo em, tác giả muốn khẳng định điều gì qua câu kết : “Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.”. Theo em, tác giả muốn khẳng định điều gì qua câu kết này? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết: : 

Tác giả muốn khẳng định sức mạnh phi thường của những chân lí mà Bác nêu ra dưới hình thức những câu nói tự nhiên, mộc mạc, giản dị, sâu sắc. Lời nói của Bác đã khơi dậy lòng yêu nước cùng ý chí cách mạng trong quần chúng nhân dân.

Câu 6: Qua văn bản, em hiểu như thế nào là đức tính giản dị? Em sẽ làm gì để rèn luyện đức tính ấy? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết: : 

- Qua văn bản, em hiểu đức tính giản dị là đức tính, phẩm chất cao đẹp mà mỗi người cần tạo lập cho mình, đức tính ấy được thể hiện ở lối sống đơn giản không xa hoa, không cầu kì ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

- Để rèn luyện đức tính ấy em sẽ nói năng nhỏ nhẹ, dễ nghe, dễ hiểu, lễ phép với mọi người. Ăn uống đơn giản, không đòi hỏi và học tập tiết kiệm, tích cực, sáng tạo.