I. CHUẨN BỊ ĐỌC

Câu hỏi: Em hãy chia sẻ cảm nhận của mình về thiên nhiên thời khắc giao mùa. (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 15)

Lời giải chi tiết:

- Thời khắc giao mùa thường là thời khắc rất đặc biệt nó thường diễn ra với những biến đổi tinh tế của thiên nhiên. 

- Những dấu hiệu giao mùa hiện lên rõ rệt như:

  • Hè sang thu: thời tiết mát mẻ, ban đêm trời se lạnh nhưng không đủ lạnh để mặc một chiếc áo mùa, hoa cúc trong vườn đua nhau nở và sen trong ao dần úa tàn.
  • Đông sang xuân: những hạt mưa xuân lất phất bay với những chồi biếc điểm trên cành cây. 

- Trong khoảnh khắc giao mùa ấy thiên nhiên như đang nói lên tâm trạng cho người, đó là thứ cảm xúc chờ đợi xen lẫn tiếc nuối. Có biết bao mong chờ về một mùa mới đang dâng trào trong con tim cùng những kỉ niệm tươi đẹp về mùa cũ vẫn còn tồn đọng. Khoảnh khắc ấy đất trời thiên nhiên như đang “trở mình” một cách duyên dáng mà tâm hồn con người cũng “lột xác” nhẹ nhàng. 

II. TRẢI NGHIỆM CÙNG VĂN BẢN

Câu 1: Em hình dung thế nào về hình ảnh “Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu”? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 15) 

Lời giải chi tiết:

Đây là một hình ảnh có liên tưởng thú vị đầy chất thơ, tác giả đã như gợi ra trước mắt người đọc đám mây mùa hè mỏng nhẹ, kéo dài như một dải lụa trên bầu trời thu bắt đầu trong xanh. Hình ảnh này vừa có sức tạo hình vừa diễn tả sự vận động tinh tế của thời gian. Đám mây đó như một nhịp cầu nối liền giữa hai mùa khiến ranh giới giữa mùa hạ và mùa thu trở nên mơ hồ, mong manh, không rõ rệt.

Câu 2: Điểm chung của các từ ngữ như chùng chình, dềnh dàng, vắt nửa mình, vơi dần là gì? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 15)

Lời giải chi tiết:

Các từ ngữ này đều dùng để thể hiện trạng thái chuyển động, thay đổi chậm rãi và không rõ rệt với nhiều lưu luyến, không dứt khoát. Qua đó thể hiện bước chuyển mình đầy tinh tế của tự nhiên đồng thời khắc hoạ lên vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa.

III. SUY NGẪM VÀ PHẢN HỒI

Câu 1: Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào thời điểm nào? Dựa vào đâu em biết được điều đó? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16)

Lời giải chi tiết:

- Bài thơ diễn tả cảnh thiên nhiên vào khoảnh khắc giao mùa giữa mùa hạ sang mùa thu.

-  Em nhận biết được điều đó nhờ vào sự biến đổi của đất trời sang thu cùng những tín hiệu chuyển mùa như: hương ổi phả vào gió se, gió thu giăng mắc chầm chậm, dòng sông dềnh dàng trôi, những cánh chim bắt đầu vội vã, đám mây hạ - thu, nắng cuối hạ vơi dần cơn mưa. Tâm trạng tác giả cũng ngỡ ngàng và bâng khuâng thông qua các từ như “bỗng, hình như”.

Câu 2:  Tìm các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ. Qua cách miêu tả đó, em cảm nhận như thế nào về tâm hồn của nhà thơ? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16)

Lời giải chi tiết:

- Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ gồm: hương ổi phả vào trong gió se, sương chùng chình, chim vội vã, đám mây vắt nửa mình, cơn mưa vơi dần. 

- Qua cách miêu tả ấy em cảm nhận được sự tinh tế và sự nhạy cảm trong tâm hồn của tác giả khi kết hợp nhiều giác quan như xúc giác, thính giác, thị giác để cảm nhận được thiên nhiên. 

Câu 3: Cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài Sang Thu có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện nội dung văn bản? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16)

Lời giải chi tiết:

- Bài thơ được ngắt nhịp linh hoạt 3/2, 2/3.

- Gieo vần chủ yếu là vần chân tạo sự liền mạch về cảm xúc. 

⇒ Việc ngắt nhịp và gieo vần như vậy có tác dụng tạo liên kết giữa các dòng thơ, câu thơ và tạo ra nhạc điệu cho bài thơ.

Câu 4:  Theo em, chủ đề của bài thơ Sang Thu là gì? Qua bài thơ này, tác giả muốn gửi thông điệp gì đến cho người đọc? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16)

Lời giải chi tiết:

- Theo em chủ đề của bài thơ Sang Thu là thông qua sự chuyển mình của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả về thiên nhiên, về nhưng suy ngẫm và về bước đi của thời gian. 

- Thông qua bài thơ, tác giả muốn gửi gắm thông điệp đó là cần biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà vô giá của thiên nhiên.

Câu 5:  Nếu nhan đề Sang thu được đổi thành Thu hay Mùa thu thì có phù hợp với nội dung của bài thơ hay không? Vì sao? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16) 

Lời giải chi tiết:

Nếu đổi tên nhan đề thành Thu hay Mùa thu thì không phù hợp với nội dung của bài thơ vì nhan đề “Sang thu" thể hiện cách lựa chọn khoảnh khắc thời gian, bắc cầu giữa cái không và cái có. Chính cảm giác mơ hồ mà tinh tế ấy đã chuyên chở cho tâm hồn thu theo cách của mùa thu. Nhạy cảm, nhẹ nhàng và vừa lạ vừa quen, nó đã đánh thức ở ta những điều da diết nhất. “Sang thu" còn là của đời người, khi sang tuổi xế chiều trải qua nhiều biến cố, trở lên vững vàng hơn trước những biến động của cuộc đời. Nếu đổi tên nhan đề sẽ đánh mất nét nghĩa này và không thể hiện được nội dung của bài thơ.

Câu 6: Đọc bài thơ Sang thu, em học được gì từ cách quan sát, cảm nhận thiên nhiên của tác giả? (SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16)

Lời giải chi tiết:

- Đọc bài thơ em học được cách quan sát và cảm nhận vô cùng tinh tế của tác giả, ông miêu tả rất chi tiết, cụ thể nhưng vẫn nắm bắt được cái thần của cảnh vật. 

- Điều em có thể học hỏi là:

  • Trình tự quan sát và cảm nhận từ khái quát đến cụ thể và từ cụ thể đến cái trừu tượng để gửi gắm suy ngẫm. 
  • Lựa chọn thể hiện những đặc điểm đặc trưng của cảnh cùng những chuyển biến của thiên nhiên trong thời khắc giao mùa. 
  • Cảm nhận thông qua những hình ảnh giàu  giá trị biểu tượng.

Câu 7: Chọn một từ ngữ trong bài thơ mà em cho là hay nhất. Viết ít nhất một câu để giải thích cho sự lựa chọn của em.(SGK Ngữ Văn 7 tập 1 - trang 16) 

Lời giải chi tiết:

Từ ngữ mà em thấy hay nhất trong bài đó là từ “phả". Nó là một động từ có sắc thái mạnh dùng để diễn tả sự chủ động như thể đã đợi sẵn để được lan tỏa trong không gian của hương ổi.