[SOẠN BÀI] THIÊN TRƯỜNG VÃN VỌNG

I. TRƯỚC KHI ĐỌC

Câu hỏi: Em có thích ngắm cảnh hoàng hôn không? Vì sao? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 43)

Lời giải chi tiết:

Hoàng hôn là khoảnh khắc em thích nhất trong ngày vì nó mang lại cảm giác bình yên, đẹp đẽ thậm chí là cảm giác hạnh phúc khi kết thúc một ngày dài với nhiều điều thú vị. 

II. ĐỌC VĂN BẢN

Câu 1: Biện pháp tu từ điệp ngữ và hình thức đối trong hai câu thơ đầu. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

- Biện pháp tu từ điệp ngữ là “dường". 

- Hình thức đối là: Trước xóm/ sau thôn/ tựa khói lồng. Bóng chiều/ dường có/ lại dường không.

Câu 2: Hình ảnh con người và thiên nhiên. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh con người là “mục đồng" còn hình ảnh thiên nhiên là “khói, bóng chiều, trâu, cò trắng liệng xuống đồng”.

III. SAU KHI ĐỌC 

Câu 1: Hãy xác định thể thơ của bài Thiên Trường vãn vọng và cho biết em dựa vào các yếu tố nào để nhận biết thể thơ đó. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

- Thể thơ của bài Thiên Trường vãn vọng là: thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Em nhận biết được thể thơ vì: bài thơ có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ và được hiệp vần ở chữ cuối câu 1, 2, 4 (yên - biên - điền).

Câu 2: Cảnh vật ở hai câu thơ đầu được tái hiện vào khoảng thời gian nào? Chỉ ra mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

- Cảnh vật ở hai câu đầu của bài thơ tái hiện vào buổi chiều tà - hoàng hôn. 

- Mối liên hệ giữa thời gian và các hình ảnh được miêu tả là: 

  • Khung cảnh đặc trưng của một buổi chiều muộn nơi làng quê trước thôn và sau thôn “mờ mờ như khói phủ”. Khói ở đây có thể là làn sương mỏng nhẹ buông xuống lúc hoàng hôn mà cũng có thể là sương pha cùng khói lam chiều tỏa ra từ những mái rạ trong thôn.
  • Cảnh hoàng hôn mờ ảo, có nơi nắng nhạt dần nhưng có nơi thì nắng đã tắt khiến bóng chiều bảng lảng “nửa như có, nửa như không”. Thời gian vô hình đã được “hữu hình hóa” thông qua sự biến đổi tinh tế của cảnh vật.

Câu 3: Những hình ảnh ở hai câu thơ cuối đã gợi lên một bức tranh cuộc sống như thế nào? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

Những hình ảnh ở hai câu thơ cuối đã gợi lên bức tranh cuộc sống:

  • Tiếng sáo mục đồng văng vẳng cùng hình ảnh trẻ chăn trâu “lùa trâu về hết” âm thanh trong trẻo, hồn nhiên. Những hình ảnh quen thuộc đã gợi lên thời gian của buổi hoàng hôn cùng không gian thanh tĩnh - khi mà mọi hoạt động dần lắng xuống. Con người cùng các loài vật đều tìm về nơi sum vầy, nghỉ ngơi. 
  • Hình ảnh từng đôi cò trắng đậu xuống cánh đồng gần gũi, thân quen nơi những cánh đồng quê Bắc Bộ, nó gợi lên nhịp sống đời thường bình yên và ấm áp. 

Câu 4: Theo em, qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện trong bài thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc, tâm trạng gì? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

Theo em thông qua bức tranh thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện trong bài thơ cho ta thấy tác giả như đang đắm chìm mơ màng trong một không gian buổi chiều tà dung dị quyến rũ. Trong lòng dâng lên một tình yêu thương cùng thái độ trân trọng dành cho thiên nhiên, con người và cuộc sống đồng thời thể hiện niềm vui, sự hạng phúc trước vẻ đẹp thanh bình nơi cuộc sống đời thường.

Câu 5: Bài thơ tái hiện cảnh vật và cuộc sống con người trong nhiều khoảng không gian. Em hãy chỉ ra những khoảng không gian đó theo trình tự được miêu tả trong bài thơ. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 44)

Lời giải chi tiết:

Không gian theo trình tự miêu tả trong bài thơ:

  • Không gian trải rộng từ xa cho đến gần: nhan đề “vãn vọng - trông xa". Hình ảnh “sau thôn, trước thôn” là hình ảnh toàn cảnh đến cận cảnh. 
  • Không gian trải dài theo con đường mục đồng “lùa trâu về hết”. 
  • Không gian được nối từ cao xuống thấp theo những cánh cò trắng bay liệng, đậu xuống cánh đồng.

Câu 6: Câu kết trong bài thơ tứ tuyệt Đường luật thường để lại dư âm. Hãy cho biết câu kết trong Thiên Trường vãn vọng có thể gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 45)

Lời giải chi tiết:

Câu kết trong bài thơ gợi cho em về vẻ đẹp của cuộc sống thanh bình, câu thơ gợi khung cảnh đồng quê bình yên mở ra liên tưởng về những vụ mùa ấm no, sự sống sinh sôi nảy nở, nhịp sống bình yên quý gia đằng sau những năm tháng chiến tranh chống quân Nguyên xâm lược. Không chỉ vậy em còn thấy được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, nó được thể hiện thông qua tình yêu thương bao trùm vạn vật, thái độ nâng niu, trân trọng bình dị của đời thường cùng niềm vui, niềm hạnh phúc trước cuộc sống thanh bình của nhân dân. 

Câu 7: Tác giả Thiên Trường vãn vọng còn là một vị vua. Điều đó gợi cho em những suy nghĩ gì khi đọc bài thơ? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 45)

Lời giải chi tiết:

Tác giả là một vị vua có tâm hồn thi sĩ, khi đọc bài thơ ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với người nông dân thuần phác (cảnh được nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó đã cho thấy vua là một người rất gần dân chúng, yêu dân, yêu sự thanh bình. Phải chăng các vị vua Trần đều rất thân dân, yêu dân như con nên khi đứng trước họa xâm lăng (nhất là trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.

IV. VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Đều bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về nhan đề hoặc một hình ảnh đặc sắc trong bài thơ Thiên Trường vãn vọng. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 45)

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh mà em thích nhất trong bài thơ là hình ảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà. Khi bóng chiều dần buông xuống và mặt trời khuất dần sau ngọn núi những cánh cò tìm về chốn bình yên sau một ngày vất vả kiếm ăn. Những cơn gió thoảng qua xua dần đi không khí nóng bức và để lại cảm giác êm dịu, mát mẻ ngày hè. Đàn trâu thong dong bước về chuồng trên đường làng quen thuộc, chúng nhè nhẹ ve vẩy chiếc đuôi. Những chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, tay cầm cây sáo thổi sang. Cảnh làng quê lúc này thật yên bình và gần gũi biết bao.