[SOẠN BÀI] THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT BÀI 1

Câu 1: Xác định từ tượng hình, từ tượng thanh có trong những trường hợp sau và phân tích tác dụng của chúng. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 20)

a. Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát)

b. Con nghe thập thình tiếng cối

    Mẹ ngồi giã gạo ru con

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát)

c. Quen thói cũ, ếch nghênh ngang đi lại khắp nơi và cất tiếng kêu ồm ộp.

(Truyện dân gian Việt Nam, Ếch ngồi đáy giếng)

d. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

Lời giải chi tiết:

a. Từ tượng hình là “chòng chành”

→ Giúp tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt đồng thời gửi gắm tư tưởng tình cảm thiết tha của tác giả đối với quê hương, biết ơn sự chăm sóc và yêu thương của mẹ. 

b. Từ tượng thanh là “thập thình”

→ Nhấn mạnh nỗi vất vả cùng tình yêu thương vô bờ bến của mẹ đồng thời khắc hoạ người mẹ tần tảo, hi sinh cùng sự biết ơn của con. 

c. Từ tượng hình là “Nghênh ngang”  - Từ tượng thanh là “ồm ộp"

→ Giúp người đọc dễ dàng hình dung được dáng vẻ và âm thanh của sự vật, hiện tượng được nhắc tới. 

d. Từ tượng thanh là “Phanh phách”

→ Giúp tác giả khắc họa một cách rõ nét hình ảnh nhân vật và miêu tả đúng tính chất của đối tượng được nhắc tới.

Câu 2: Liệt kê năm từ tượng hình gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của con người và năm từ tượng thanh mô phỏng âm thanh của thế giới tự nhiên. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

- 5 từ tượng hình gợi tả hình ảnh, dáng vẻ của con người là: xộc xệch, cao ráo, rũ rượi, bầu bĩnh, hối hả, mảnh mai…

- 5 từ tượng thanh gợi âm thanh của thế giới xung quanh là: líu lo, ồn ào, cót két, róc rách, ồm ộp,.....

Câu 3: Điền từ tượng thanh, từ tượng hình phù hợp vào chỗ trống (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 20)

a. Đêm khuya thanh vắng, chỉ còn tiếng mưa rơi ….. bên hiên nhà.

b. Mùa đông, cây bàng vươn dài những cành ….., trơ trụi lá.

c. Sự tĩnh lặng của đêm tối khiến tôi nghe rõ tiếng côn trùng kêu ….. từ ngoài đồng ruộng đưa vào.

d. Ở miệt này, sông ngòi, kênh rạch bủa giăng …… như mạng nhện.

đ. Đó là một ngôi làng đặc biệt nằm giữa những ngọn núi đá …… ở Hà Giang.

Lời giải chi tiết:

Từ phù hợp điền vào chỗ trống:

  • a. rả rích/tí tách.
  • b. khẳng khiu.
  • c. râm ran/rả rích.
  • d. chằng chịt/chi chít.
  • đ. sừng sững/cheo leo.

Câu 4: Tìm ít nhất hai ví dụ về việc sử dụng từ tượng hình, từ tượng thanh ở những văn bản mà em đã đọc và cho biết tác dụng của chúng trong những trường hợp ấy. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 20)

Lời giải chi tiết:

- VD1: Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rối hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.

→ Từ tượng thanh “bốp” giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn về sự độc ác và máu lạnh của tên cai lệ.

- VD2: Thằng Dần vục đầu vừa thổi vừa húp soàn soạt. Chị Dậu rón rén bưng một cái bát lớn đến chỗ chồng nằm.

→ Từ tượng hình “rón rén” giúp người đọc hình dung rõ nét sự ân cần và nhẹ nhàng của chị Dậu.

Câu 5: Phân tích nét độc đáo trong cách kết hợp từ ngữ ở các trường hợp sau (chú ý những cụm từ/ câu thơ được in đậm) (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 20)

a. Khóm trúc, lùm tre huyền thoại

    Lời ru vấn vít dây trầu

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát)

b. Đâu những chiều sương phủ bãi đồng

    Lúa mềm xao xác ở ven sông

(Tố Hữu, Nhớ đồng)

c. Con nghe dập dờn sóng lúa

    Lời ru hóa hạt gạo rồi

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát)

Lời giải chi tiết:

a. Từ tượng hình “vấn vít” kết hợp với hình ảnh “dây trầu”, “lời ru” cho ta thấy sự gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời cùng vai trò của lời ru đối với sự phát triển của mỗi đứa trẻ, nó giúp đứa trẻ chìm vào giấc ngủ, gợi nhắc đến khoảng trời cổ tích cùng câu hát dân gian, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm. 

b. Từ tượng hình “xao xác” được đưa vào câu thơ góp phần diễn tả tâm trạng nhớ nhung, thương nhớ quê hương da diết. Tình cảm gắn bó với máu thịt của Tố Hữu đối với quê hương. 

c. Từ tượng hình “dập dờn” rất phù hợp để diễn tả chuyển động lúc lên lúc xuống, lúc gần lúc xa, lúc tỏ lúc mờ nối tiếp nhau liên tiếp, nhịp nhàng của “lúa" trong tâm trí con người. Và nó gắn với cả lời ru của mẹ, nuôi lớn người con về mặt thể xác và tâm hồn.

Câu 6: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em trong mùa hè vừa qua. Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một từ tượng hình hoặc từ tượng thanh. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 21)

Lời giải chi tiết:

Mùa hè không phải là mùa mà tất cả chúng ta đều thích, nhưng đối với em cả bốn mùa đều có sự kì diệu của nó. Mặc dù mùa hè không được mát mẻ như mùa xuân hay mùa thu nhưng chúng em vẫn rất vui mỗi khi hè về. Từng chuyển biến của thiên nhiên khi từ xuân sang hạ em đều cảm nhận được rất rõ. Đó là những tiếng ve cùng những tia nắng chói chang và không khí oi bức. Nhưng mùa hè là mùa mà em được nghỉ sau một năm học tập, em có nhiều thời gian hơn tham gia các hoạt động khác như tập nhảy, tập bơi, làm thiện nguyện. Điều mà em thích nhất khi vào hè đó là gia đình em sẽ có nhiều thời gian bên nhau hơn thông qua những chuyến du lịch. Em đã học hỏi và biết thêm được rất nhiều điều mà trước đây chỉ được nghe nói đến. Năm nay cũng vậy, cả nhà em sẽ có chuyến du lịch Sapa - 3 ngày 2 đêm. Điều đầu tiên khi đặt chân tới Sapa em cảm nhận được đó là không khí mát mẻ cùng sự nhiệt tình mến khách nơi đây. Đồ ăn rất ngon đặc biệt là món lẩu cá tầm và nướng ngói nghe xèo xèo. Cả nhà em còn tham gia một số hoạt động của người Tây Bắc như tham quan bản Cát Cát, bản Tả Phìn và leo lên đỉnh Fansipan nhìn ngắm trời mây Tây Bắc rất hùng vĩ, nên thơ.