[SOẠN BÀI] THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT BÀI 10 (KẾT NỐI TRI THỨC)

NGHĨA TƯỜNG MINH VÀ NGHĨA HÀM ẨN CỦA CÂU

Câu 1: Đặt trong ngữ cảnh cuộc đối thoại được thể hiện ở bài ca dao số 2, nghĩa hàm ẩn của câu “Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo” là gì? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 113)

Lời giải chi tiết:

Nghĩa hàm ẩn muốn nói về cái chết của cha con mèo vì chết thì mới có giỗ. Tuy không biết cha con mèo sống chết thế nào, nhưng nói đến việc kẻ bị ức hiếp làm giỗ cha kẻ thù là một cách nói phi lí. Vì làm giỗ là một việc nội bộ gia đình. Ta có thể hiểu đây là một lời nguyền rủa, một tiếng chửi và sự vạch mặt của dân gian đối với những kẻ đạo đức giả.

Câu 2: Theo em, qua câu ca dao “Cưới em ba chum mật ong/ Mười thúng mỡ muỗi ba nong quýt đầy…”, anh học trò thực sự muốn nói điều gì? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 113)

Lời giải chi tiết:

Qua câu ca dao anh học trò muốn nói rằng mình không thể đáp ứng được sự thách cưới của nhà gái. Hoặc nhà gái thách cưới ca là sự đánh đố với anh, anh muốn mang đến nhiều lễ vật để cưới em nhưng sức anh không làm được. 

Câu 3: Cho biết nghĩa hàm ẩn của những câu in đậm trong các trường hợp sau. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 113)

a. Chập chập rồi lại cheng cheng

Con gà sống lớn để riêng cho thầy.

b. Ông Giuốc-đanh: - Thế này là thế nào? Bác may hoa ngược mất rồi.

Phó may: - Ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa đâu.

Ông Giuốc-đanh: - Lại còn phải bảo cái đó à?

Phó may: - Vâng, phải bảo chứ. Vì tất cả những người quý phái đều mặc như thế này cả.

Lời giải chi tiết:

a. Nghĩa hàm ẩn là: phê phán ông thầy cúng ham ăn.

b. Nghĩa hàm ẩn là: thể hiện sự ngu dốt, thiếu hiểu biết mà đòi học làm sang của ông Giuốc-đanh.

Câu 4: Xác định nghĩa hàm ẩn của các câu tục ngữ dưới đây. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 113)

a. Có tật giật mình.

b. Đời người có một gang tay

Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang.

c. Cười người chớ vội cười lâu

Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

d. Lời nói gói vàng

e. Lưỡi sắc hơn gươm

Lời giải chi tiết:

a. Ý chỉ những người chột dạ khi ai đó nói về mình vì mình đã làm những điều sai trái. 

b. Ý nói về sự hữu hạn của đời người để khuyên ta nên biết quý trọng thời gian.

c. Ý muốn khuyên ta phải biết tôn trọng người khác, nếu coi thường hay khinh bỉ người khác thì khi ta rơi vào hoàn cảnh như họ ta sẽ bị người khác chê bai, khinh thường.

d. Ý muốn nhắc nhở ta về giá trị của lời nói để ta biết trân quý lời nói hơn.

e. Ý muốn khẳng định về sức mạnh của lời nói. Lời nói có có sức sát thương còn hơn gươm giáo, những lời nói độc địa có thể làm hại đến người khác. Nhưng trong một số trường hợp thì lời nói lại có tác dụng hơn cả vũ khí thông thường.