[SOẠN BÀI] THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT BÀI 5 (KẾT NỐI TRI THỨC)

ĐOẠN VĂN DIỄN DỊCH VÀ ĐOẠN VĂN QUY NẠP

Câu 1: Tìm câu chủ đề trong các đoạn văn sau, từ đó, xác định kiểu đoạn văn (diễn dịch, quy nạp). Phân tích tác dụng của từng cách thức tổ chức đoạn văn. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 64)

a. Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay chết theo nạn của vua; Kính Đức, một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!

(Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ)

b. Đồng phục không chỉ đẹp mà còn góp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. Cậu này là học sinh Trường THCS Lê Qúy Đôn, bạn ấy thuộc Trường THCS Lương Thế Vinh, còn cô bé kia học ở Trường THCS Đặng Thai Mai,… tất cả đều được nhận ra nhờ bộ đồng phục mà học mặc. Trong cuộc thi “Nhóm bạn lí tưởng” ở huyện, “màu cờ sắc áo” không chỉ thể hiện ở tài trí của năm bạn trong đội hình thi đấu trên sân khấu, mà còn ở các nhóm cổ động viên tưng bừng, nổi bật trong bộ đồng phục của trường mình trên khán đài.

Dẫn theo Ngữ ăn 6, tập hai (Kết nối tri thức với cuộc sống), NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, tr. 67)

Lời giải chi tiết:

a. Câu chủ đề của đoạn văn là: Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!

- Đoạn văn được viết theo kiểu: Quy nạp. 

- Tác dụng: Câu chủ đề ở cuối đoạn mang ý nghĩa nhận xét, đánh giá chung và liệt kê những nhân vật lịch sử có tấm lòng trung quân ái quốc.

b. Câu chủ đề của đoạn văn là: Đồng phục không chỉ đẹp mà còn giúp phần tạo nên bản sắc của mỗi trường. 

- Đoạn văn được viết theo kiểu: Diễn dịch. 

- Tác dụng: Câu chủ đề đặt ở đầu đoạn mang ý nghĩa khái quát nội dung chính và làm nổi bật lên câu chủ đề. 

Câu 2: Hãy sắp xếp các câu sau đây thành đoạn văn diễn dịch, sau đó sắp xếp lại thành đoạn văn quy nạp và cho biết dựa vào cơ sở nào, em sắp xếp như vậy. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 64)

(1) Một cô Tấm (trong truyện “Tấm Cám”) bao lần bị hại, cuối cùng vẫn được làm hoàng hậu, nhưng mụ dì ghẻ và Cám – những kẻ lắm mưu mô tàn ác thì bị trừng phạt đích đáng.

(2) Một Thạch Sanh (truyện “Thạch Sanh”) chất phác, thật bụng tin người, dẫu trải qua bao khổ nạn, oan khuất rồi đến lúc cũng cưới được công chúa và lên ngôi, còn Lý Thông lừa lọc, xảo trá thì trời đất không dung tha.

(3) Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo là ước mơ công bằng được nhân dân gửi gắm vào truyện cổ tích.

(4) Một người em (truyện “Cây khế”) thật thà, hiền lành, bị anh đối xử bất công, ai ngờ cuộc sống về sau lại giàu sang, hạnh phúc, trong khi người anh tham lam thì bỏ mạng giữa biển khơi.

Lời giải chi tiết:

- Sắp xếp theo cách diễn dịch: (3) – (1) – (2) – (4) 

⇒ Lý do: Đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề nằm ở đầu đoạn. 

- Sắp xếp theo cách quy nạp: (1) – (2) – (4) – (3)

⇒ Lý do: Đoạn văn quy nạp có câu chủ đề nằm ở cuối đoạn. 

Câu 3: Hãy xem câu sau là câu chủ đề, từ đó, viết hai đoạn văn, một đoạn đặt câu chủ đề ở đầu đoạn (diễn dịch) và một đoạn đặt câu chủ đề ở cuối đoạn (quy nạp). (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 64)

Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.

(Ilya Ehrenburg (I-li-a E-ren-bua)).

Lời giải chi tiết:

- Đoạn văn diễn dịch: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Nó có thể là yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông hay yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu. Tình yêu đất nước là tình yêu muôn màu vì nó thường trực trong mỗi con người và không nhất thiết phải được bộc lộ hay biểu hiện như nhau. Tình yêu đất nước có sức mạnh to lớn, nó là bệ đỡ tinh thần cho mỗi người trong cuộc sống. Đất nước luôn là chủ đề bất tận để các nhạc sĩ, hoạ sĩ hay các nhà thơ, nhà văn của mọi thời đại, mọi thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Vì sao kiều bào Việt Nam sống ở nước ngoài luôn hướng về đất nước và tại sao những người con xa Tổ quốc đó, lúc về già luôn ao ước được yên nghỉ tại quê hương bản quán? Tất cả nó đều bởi vì tình yêu nước, nó đã nuôi dưỡng tâm hồn và dẫn bước cho họ vững vàng trong hành trình sống. Không những vậy nó còn là đòn bẩy khiến mỗi chúng ta sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với quê hương, dân tộc và với cả chính bản thân mình. Thực ra mỗi người đều có khát vọng vinh danh quê hương đất nước như khát vọng  vinh danh cho chính bản thân mình. Chúng ta học tập, lao động cũng chính vì những thành quả ấy sẽ giúp tô điểm cho non sông đất nước. Lòng yêu nước của dân tộc ta khiến các nước đế quốc phải chùn bước, nó chính là yếu tố cốt lõi mang lại sự trường tồn vĩnh cửu cho giang sơn, tổ quốc. Sức mạnh của tình yêu đất nước là vô biên, là tuyệt đích, là bất khả xâm phạm. Vì nhận thức được điều đó nên chúng ta càng nên gìn giữ, vun đắp để tình yêu đất nước mãi cháy sáng trong ta và để sức mạnh này càng nhân lên gấp bội trong cộng đồng dân tộc.

- Đoạn văn quy nạp: Cũng như bao truyền thống khác thì tinh thần yêu nước là một nét đặc sắc trong văn hóa của nước ta. Nó được thể hiện từ xưa đến nay và đi sâu vào từng hành động, từng ý nghĩ của mỗi con người. Lòng yêu nước là tất cả những gì tốt đẹp, yêu thiên nhiên muôn hình vạn trạng, yêu bầu trời trong xanh, yêu đàn chim bay lượn và yêu cả những dòng sông thân thương hay những chiếc lá mỏng manh. Lòng yêu nước xuất phát từ ý chí, sự quyết tâm phấn đấu để xây dựng Tổ quốc. Tinh thần yêu nước bao gồm cả các tình yêu khác như tình yêu gia đình, yêu quê hương và tình yêu con người. Nó xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi và tồn tại ở mọi cá nhân. Bất cứ nơi nào có người Việt Nam sống thì đó sẽ mãi là mầm mống, là chồi non của tinh thần yêu nước Việt Nam. Từ đó ta có thể thấy lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất.