[SOẠN BÀI] THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT BÀI 6 (KẾT NỐI TRI THỨC)

ĐOẠN VĂN SONG SONG VÀ ĐOẠN VĂN PHỐI HỢP

Câu 1: Xác định kiểu đoạn văn của những trường hợp sau. Phân tích tác dụng của từng cách thức tổ chức đoạn văn. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 68)

a. Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thần chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.

(Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ)

b. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)

Lời giải chi tiết:

a. Kiểu của đoạn văn là song song, tất cả các câu cùng thể hiện chủ để chung đó là làm theo “Binh thư yếu lược”.

⇒ Tác dụng: Trình bày được thông tin một cách khách quan và giúp người đọc có thể tự rút ra kết luận.

b. Kiểu của đoạn văn là phối hợp. Câu chủ đề đầu câu nêu lên chủ đề là đồng bào ta ngày nay cũng xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Các câu tiếp theo đưa ra dẫn chứng cùng những biểu hiện cụ thể. Câu kết đoạn đã khái quát lại lòng nồng nàn yêu nước của dân tộc ta. 

⇒ Tác dụng: Khẳng định được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Câu 2: Đoạn văn sau được tổ chức theo kiểu nào? Chủ đề của đoạn văn là gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 68)

Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hoà tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.

(Hà Ánh Minh, Ca Huế trên sông Hương)

Lời giải chi tiết:

Đoạn văn trên được tổ chức theo kiểu đoạn văn song song. Chủ đề của đoạn văn là hình thức biểu diễn ca Huế. Em biết vì các câu văn đều lần lượt nêu ra các dẫn chứng về nhạc công, khúc nhạc, tiếng đàn của ca Huế.

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn song song và một đoạn văn phối hợp (mỗi đoạn khoảng 7 – 9 câu) theo chủ đề tự chọn. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 69)

Lời giải chi tiết:

- Đoạn văn phối hợp: Lòng biết ơn chính là cơ sở của đạo làm người. Hiện nay đất nước ta đang dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng và những gia đình có công với cách mạng. Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đều quan tâm, chăm sóc các đối tượng trong chính sách. Thương binh được học nghề, được tài trợ vốn làm ăn. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng nhà tình nghĩa và được phụng dưỡng chăm sóc tận tình. Chúng ta còn có những cuộc hành quân về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, những nghĩa trang liệt sĩ đẹp đẽ được xây dựng với đài Tổ quốc ghi công sừng sững, uy nghiêm, luôn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ hãy nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do. Không thể kể hết được những biểu hiện sinh động, phong phú của đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, nó là nền tảng vững vàng để xây dựng nên một xã hội thực sự tốt đẹp. 

- Đoạn văn song song: Trong tập Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh có những bài phác họa sơ sài nhưng chân thực đậm đà mà càng tìm hiểu lại càng thú vị như đang chiêm ngưỡng một bức tranh cổ điển. Có những bài có cảnh lồng lộng sinh động như tấm thảm thêu trên nền gấm chỉ vàng nhưng cũng có những bài làm cho người đọc nghĩ tới bức tranh sơn mài thâm trầm, sâu sắc.