[SOẠN BÀI] THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT TRANG 41 (KẾT NỐI TRI THỨC)

DẤU CÂU

Câu 1: Chỉ ra công dụng của dấu chấm lửng trong các trường hợp sau. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 41)

a. Nhưng tôi chạm ngay vào một vật rắn. Tôi níu lấy nó. Tôi cảm thấy mình được đưa lên mặt nước và dễ thở hơn... Tôi ngất đi...

b. Chính chúng ta đã biết rõ hơn ai hết tốc độ con tàu này! Muốn đạt tốc độ đó cần có máy móc; muốn điều khiển máy móc, phải có thợ. Từ đó tôi kết luận rằng... chúng ta đã thoát chết!

c. Chúng tôi lần mò từng ngóc ngách, từ điện thờ thần A-pô-lô đến thánh đường A-then-na Pờ-rô-nai-a, thậm chí không bỏ sót những vết tích còn lại của đấu trường, rạp hát,... bên bờ suối Cát-xta-líc.

- Tớ nghĩ ta nên quay lại điện thờ thần A-pô-lô, vì trong câu đố có nhắc đến vị thần đội vòng nguyệt quế và nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải bày tỏ lòng thành kính... - Tôi kết luận sau khi đã kiểm tra một vòng.

- Có lí! Nhưng mà cái khoản bày tỏ lòng thành kính ấy, cậu bày tỏ đi nhé...

Lời giải chi tiết:

a.  Dấu chấm lửng có tác dụng thể hiện rằng lời nói còn bỏ dở và ngắt quãng. 

b. Dấu chấm lửng có tác dụng làm giãn nhịp điệu của câu văn và chuẩn bị cho sự xuất hiện của từ ngữ biểu thị một nội dung bất ngờ chuẩn bị diễn ra.

c. 

- Dấu chấm lửng 1 có tác dụng thể hiện cho biết rằng còn nhiều sự vật và hiện tượng chưa được liệt kê hết.

- Dấu chấm lửng 2 có tác dụng thể hiện lời nói bỏ ngỏ, ngập ngừng và ngắt quãng.

- Dấu chấm lửng 3 có tác dụng thể hiện lời nói bỏ ngỏ, ngập ngừng và ngắt quãng.

Câu 2: Tìm trong văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ một câu có dấu chấm lửng với công dụng làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung hài hước. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết:

Dấu chấm lửng trong văn bản trên có tác dụng làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung hài hước trong bài: “Chẳng qua chỉ là…. cái ổ voi thôi mà! Ai bảo có nười “mắt toét”! - Tôi khích”.

Câu 3: Nêu công dụng của dấu ngoặc kép trong các câu sau. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

a. Cả Thần Đồng và tôi đều tin "cái rốn" ấy hẳn vẫn còn ở trong đền chứ không thể là hòn đá Ôm-phe-lốt kia.

b. Câu hỏi đầu tiên chạy qua đầu hắn chắc chắn là: Sao có thể lưu giữ được những "hiện vật" này?

Lời giải chi tiết:

a. Dấu ngoặc kép trong câu trên được dùng để đánh dấu một từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt nhằm nhấn mạnh vị trí trung tâm của vũ trụ.

b. Dấu ngoặc kép trong câu trên được dùng để đánh dấu một từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của từ đồng thời giúp người đọc hình dung Tâm Vũ Trụ như một “viện bảo tàng” khổng lồ và sống động.

Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về một nội dung được gợi ra từ văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ, trong đó có sử dụng dấu chấm lửng. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 42)

Lời giải chi tiết:

Văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ là một văn bản rất ý nghĩa về sự khám phá của những nhân vật về nơi được gọi là Trung tâm của vũ trụ. Tất cả sự khám phá của các nhân vật về nơi chỉ tồn tại trong sách vở là một điều thật kỳ diệu. Theo chân các nhân vật, người đọc như được cảm nhận một thế giới khác, kì diệu và khác hẳn so với Trái Đất - nơi chúng ta sinh sống. Ở đây như một thế giới thần tiên với nhiều sinh vật đã tuyệt chủng như những cây nấm cổ đại khổng lồ, những con khủng long thời tiền sử, những con chim điện quý hiếm……. Nơi đây đã để lại trong trái tim người đọc một dấu ấn khó phai.