[SOẠN BÀI] TIẾNG GÀ TRƯA

I. CHUẨN BỊ

Yêu cầu: (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 49)

- Đọc trước bài thơ Tiếng gà trưa, tìm hiểu thêm về tác giả Xuân Quỳnh.

- Bài Tiếng gà trưa được viết trong thời kì đầu của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, in lần đầu trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968) của Xuân Quỳnh.

- Chia sẻ cùng bạn bè về kỉ niệm với những người thân trong gia đình mà em nhớ nhất.

Lời giải chi tiết:

- Tác giả Xuân Quỳnh:

  • Xuân Quỳnh (1942-1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở  Văn Khê, Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là La Khê, Hà Đông, Hà Nội). Bà xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm và bố thường xuyên đi công tác xa nhà. Xuân Quỳnh được bà nội nuôi dạu từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. 
  • 2/1956 Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa, bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Áo. Từ năm 1962- 1964 Xuân Quỳnh học tại Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1978 đến khi mất bà làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh mất vào 29/8/1988 trong vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
  • Năm 2001 Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
  • Những tác phẩm tiêu biểu gồm: Tơ tằm – Chồi biếc (thơ-1963), Hoa dọc chiến hào (thơ-1968), Gió Lào cát trắng (thơ-1974), Lời ru trên mặt đất (thơ-1978),Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985), Bến tàu trong thành phố (truyện thiếu nhi, 1984), Vẫn có ông trăng khác (truyện thiếu nhi)….
  • Thơ của Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi và bình dị trong đời sống gia đình, cuộc sống thường ngày để biểu lộ những rung cảm cùng khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết, đằm thắm.

- Kỉ niệm với người thân trong gia đình: nhớ lại câu chuyện của bản thân và chia sẻ lại. 

II. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Đọc lướt bài thơ, chỉ ra dòng nào không phải năm tiếng. Số dòng trong mỗi khổ có giống nhau không? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 50)

Lời giải chi tiết:

- Dòng thơ không phải năm tiếng trong bài là: “Tiếng gà trưa”.

- Số dòng trong mỗi khổ thơ không giống nhau, có khổ 4 dòng, khổ 5 dòng và có khổ 6 dòng…

Câu 2: Xác định vần và nhịp của bài thơ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 50)

Lời giải chi tiết:

Vần thơ của bài thơ là vần chân, vần cách và nhịp thơ là 3/2, 2/3.

Câu 3: Chú ý những hình ảnh và kỉ niệm được gợi lại từ tiếng gà trưa. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 50)

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh và kỉ niệm được gợi lại qua “tiếng gà trưa” là:

  • Hình ảnh: ổ rơm, trứng hồng, gà mái mơ, gà mái vàng và hình ảnh bà soi trứng.
  • Kỉ niệm: bà bán trứng và mua cho quần áo mới: quần chéo go ống rộng và cái áo trúc bâu.

⇒ Thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng của một đứa trẻ cũng như tình cảm yêu quý và trân trọng của cháu đối với bà. 

Câu 4: Chú ý các từ diễn tả cảm xúc của người cháu. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 51)

Lời giải chi tiết:

Các từ diễn tả nên cảm xúc của người cháu là: “mang bao nhiêu hạnh phúc”, “vì lòng yêu Tổ Quốc”, “vì xóm làng”, “vì bà”, “vì tiếng gà”.

Câu 5: Chú ý những dòng thơ có cấu trúc giống nhau trong khổ thơ này. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 51)

Lời giải chi tiết:

Những dòng thơ có cấu trúc giống nhau trong khổ thơ này là: 

  • Vì lòng yêu Tổ Quốc
  • Vì xóm làng thân thuộc
  • Bà ơi, cũng vì bà
  • Vì tiếng gà cục tác

III. CÂU HỎI CUỐI BÀI 

Câu 1: Cảm xúc nào là cảm xúc xuyên suốt bài thơ Tiếng gà trưa? Cảm xúc đó được khơi gợi từ điều gì? Em hiểu người xưng “cháu” trong bài thơ là ai? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 51)

Lời giải chi tiết:

- Cảm xúc xuyên suốt bài thơ “Tiếng gà trưa" là tình cảm của người cháu với bà, với ổ trứng hồng. 

- Cảm xúc đó được khơi gợi từ tiếng gà trưa trên đường hành quân xa nhà của người cháu. 

- Người xưng “cháu" trong bài thơ là Xuân Quỳnh khi đang trên đường hành quân, nghe được tiếng gà trưa và nhớ về người bà yêu quý.

Câu 2: Dòng thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại mấy lần trong bài thơ? “Tiếng gà trưa” đã khơi gợi ở người cháu những hình ảnh và kỉ niệm gì của tuổi thơ? Em ấn tượng với hình ảnh hoặc kỉ niệm nào nhất? Vì sao? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 51)

Lời giải chi tiết:

- Trong bài thơ dòng thơ “Tiếng gà trưa" được lặp lại 3 lần. 

- Tiếng gà trưa đã khơi gợi ở cháu những hình ảnh về ổ rơm, trứng hồng, gà mái mơ, gà mái vàng, hình ảnh bà soi trứng và kỉ niệm: bà bán trứng và mua cho quần áo mới: quần chéo go ống rộng, cái áo trúc bâu.

- Em ấn tượng nhất với hình ảnh con gà mái mơ/ khắp mình hoa đốm trắng, con gà mái vàng/ lông óng như màu nắng vì đó là hình ảnh rất đẹp và gần gũi với em đồng thời gợi cho em về một tuổi thơ vui chơi bên bạn bè quanh xóm nhỏ. 

Câu 3: Người bà hiện lên qua những hình ảnh, chi tiết nào? Qua đó, em có cảm nhận như thế nào về người bà và những tình cảm người cháu dành cho bà? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 51)

Lời giải chi tiết:

- Người bà hiện lên thông qua những hình ảnh và chi tiết: tay bà khum soi trứng, bà lo lắng khi mùa đông đến đàn gà toi. Qua đây ta có thể thấy được hình ảnh bà chịu chịu thương chịu khó, chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống nhiều vất vả và lo toan.

- Tình cảm mà cháu dành cho bà rất sâu nặng, thắm thiết, yêu thương, quý trọng và biết ơn bà. 

Câu 4: Theo em, vì sao chúng ta luôn nghĩ về những người thân yêu trong gia đình mỗi khi xa nhà hoặc gặp khó khăn? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 - trang 51)

Lời giải chi tiết:

Chúng ta luôn nghĩ về những người thân yêu trong gia đình mỗi khi xa nhà hoặc gặp khó khăn vì gia đình luôn là điểm tựa tinh thần của mỗi người, là nơi chúng ta gắn bó và trưởng thành. Mỗi một thành viên trong gia đình đều yêu thương, đùm bọc và chia sẻ mọi buồn vui với nhau. Khi xa nhau sẽ luôn nghĩ đến nhau và luôn muốn được an ủi động viên, mong muốn được chia sẻ để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.