[SOẠN BÀI] TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA

I. TRƯỚC KHI ĐỌC

Câu 1: Qua những bài học từ môn Lịch sử hoặc qua những truyện lịch sử đã học, đã đọc, hành động yêu nước của nhân vật nào để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 65)

Lời giải chi tiết:

Hành động yêu nước để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất đó là hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã ra đi tìm đường cứu nước suốt 30 năm ròng rã, Người bôn ba ở nước ngoài và làm đủ thứ để mưu sinh. Khi ở Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận được chủ nghĩa Mác để vận dụng vào tình hình ở nước ta. Cộng thêm sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần đoàn kết của dân tộc đã giúp đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, xã hội chủ nghĩa.

Câu 2: Trong cuộc sống hôm nay, con người có thể thể hiện tinh thần yêu nước bằng những cách nào? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 65)

Lời giải chi tiết:

Ngày nay con người có thể thể hiện tinh thần yêu nước bằng cách học tập tốt, hăng say lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng, làm việc có trách nhiệm, mẫn cán, chí công vô tư và cống hiến hết mình vì công việc……….

II. ĐỌC VĂN BẢN

Câu 1: Cách mở đầu và câu văn thể hiện nội dung bao quát của văn bản. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 65)

Lời giải chi tiết:

- Tác giả đã sử dụng cách mở đầu trực tiếp để giới thiệu về dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó chính là truyền thống quý báu và được khẳng định mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng (tinh thần ấy trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết).

- Câu văn thể hiện nội dung bao quát của văn bản là: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

Câu 2: Những bằng chứng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ điều gì? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 66)

Lời giải chi tiết:

Những bằng chứng được sử dụng nhằm sáng tỏ lịch sử ta có rất nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại để chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta. 

Câu 3: Cách nêu bằng chứng ở đây có gì đáng chú ý? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 66)

Lời giải chi tiết:

Bằng chứng được đưa theo mô hình “từ…đến…” và được sắp xếp theo trình tự tuổi tác, vùng miền và giai cấp. Những sự việc ấy có mối quan hệ theo các bình diện khác nhau nhưng bao quát được mọi khía cạnh. 

Câu 4: Cần phải làm gì để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 66)

Lời giải chi tiết:

Chúng ta cần phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức và làm cho tinh thần yêu nước của mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

III. SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Người viết văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới đối tượng cần thuyết phục. Theo em, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng tới đối tượng nào? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

Theo em văn bản hướng tới tất cả mọi người (toàn thể nhân dân Việt Nam và những kiều bào đang ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc).

Câu 2: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

- Văn bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một văn bản nghị luận hoàn chỉnh vì nó có bố cục 3 phần rõ ràng, có một luận đề được khái quát bằng nhan đề. 

- Bố cục: 

  • Mở bài: Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta và khẳng định sức mạnh vô song của tinh thần ấy.
  • Thân bài: Luận điểm và bằng chứng lấy từ lịch sử chống giặc ngoại xâm và từ thực tế của các cuộc kháng chiến đang diễn ra. 
  • Kết bài: Khẳng định lại sự quý báu của truyền thống yêu nước ấy đồng thời kêu gọi phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong  công cuộc kháng chiến.

Câu 3: Bài nghị luận có mấy luận điểm? Nêu từng luận điểm và chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm, từ đó rút ra nội dung bao quát của văn bản. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

- Bài nghị luận có 3 luận điểm chính:

  • Luận điểm 1 (từ đầu đến nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước): Nêu vấn đề tinh thần yêu nước của dân ta. 
  • Luận điểm 2 (từ “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại” đến “nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước): Truyền thống yêu nước được thể hiện qua lịch sử đấu tranh giữ nước và qua các cuộc kháng chiến chống Pháp ngày nay. 
  • Luận điểm 3 (còn lại): Chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước quý báu ấy. 

→ Mối liên hệ: Luận điểm 1 khái quát - luận điểm 2 làm sáng tỏ và khẳng định vấn đề ở luận điểm 1 - luận điểm 3 nêu lên phương hướng hành động trên cơ sở rút ra nhận thức từ hai luận điểm trước đó. 

⇒ Từng luận điểm đã nêu lên các khía cạnh cụ thể, chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau và cùng hướng tới nội dung bao trùm. Nội dung ấy đã được thể hiện ở nhan đề “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” và đây cũng chính là luận đề của văn bản.

Câu 4: Căn cứ vào những bằng chứng khách quan nào mà tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”? Vì sao lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu”? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

- Tác giả dựa vào các bằng chứng khách quan ở đoạn 2 và 3: 

  • Lịch sử đã nói về những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, gắn liền với tên tuổi Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đại, Lê Lợi, Quang Trung…
  • Từ thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra (1951) (từ “Đồng bào ta ngày nay… đến “nồng nàn yêu nước”)

- Lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân được xem là “truyền thống quý báu” vì: 

  • Lòng yêu nước được nhân dân Việt Nam duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác suốt trường kì lịch sử kháng chiến. 
  • Nhờ có lòng yêu nước mà dân tộc ta mới giành và giữ được nền độc lập của mình. 
  • Truyền thống yêu nước của nhân dân chính là nhân tố quan trọng nhất để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
  • Lòng yêu nước của nhân dân sẽ quyết định tương lai của đất nước. 

Câu 5: Văn nghị luận của Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng người đọc đi từ nhận thức tới hành động. Qua văn bản này, tác giả muốn người đọc nhận thức được điều gì và có hành động như thế nào? Những nhận thức và hành động đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cộng đồng? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

Qua văn bản, Hồ Chí Minh muốn người đọc nhận thức được tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu. Bổn phận của mọi người là phải làm cho tình thần yêu nước được thể hiện bằng những việc làm thiết thực để góp phần vào công cuộc kháng chiến giữ nước và hành trình xây dựng đất nước. Những nhận thức và hành động ấy đã góp phần đưa đất nước đi lên và phát triển đất nước giàu đẹp, sánh vai với cường quốc năm châu.

Câu 6: Theo em, những yếu tố nào đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận này? Vấn đề được bàn luận trong văn bản còn có ý nghĩa trong thời đại ngày nay nữa không? Vì sao? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

- Sức thuyết phục của văn bản được tạo nên bởi các yếu tố:

  • Văn bản đã hội tụ đầy đủ các đặc điểm để được xem là văn bản nghị luận hoàn chỉnh và mẫu mực. 
  • Các câu văn trùng điệp, nhiều vế, có sự đăng đối, tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, truyền cảm và có nhiều hình ảnh giàu sức gợi.

- Văn bản vẫn có ý nghĩa trong thời đại ngày nay vì:

  • Việc xây dựng đất nước trong thời kì hòa bình và ước mơ về một Việt Nam hùng cường luôn cần đến sự đóng góp của mọi người.
  • Vấn đề giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng và rất cần ý thức cảnh giác cùng tinh thần  sẵn sàng chiến đấu của mỗi người dân Việt Nam.

IV. VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời cho câu hỏi: Phải chăng lòng yêu nước của mỗi người chỉ cần thể hiện khi Tổ quốc bị xâm lăng? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 67)

Lời giải chi tiết:

Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước và là nỗ lực cố gắng không ngừng để xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Biểu hiện của lòng yêu nước nằm ở chính những điều đơn giản nhất, và nó nằm ngày trong ý thức và từng hành động của mỗi người. Trong thời kì kháng chiến, lòng yêu nước được thể hiện thông qua hành động cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại mà tiến lên phía trước giành lại  độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc ấy hiện lên mạnh mẽ và quyết liệt. Còn trong thời bình, lòng yêu nước được thể hiện qua việc chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân và sự vững bền cho đất nước. Đôi khi lòng yêu nước chỉ xuất phát từ những tình cảm đơn giản và bình dị nhưng nó lại có ý nghĩa vô cùng lớn. Ta có thể thấy lòng yêu nước trong xã hội rất cần thiết đối với cuộc sống của mỗi con người. Chúng ta cần rèn luyện tinh thần ấy để xây dựng, cống hiến cho đất nước.