[SOẠN BÀI] TÓM TẮT VĂN BẢN THEO YÊU CẦU KHÁC NHAU VỀ ĐỘ DÀI

I. ĐỊNH HƯỚNG

a. Tóm tắt văn bản theo yêu cầu khác nhau về độ dài là chuyển nội dung văn bản gốc thành các văn bản tóm tắt có độ dài khác nhau

Ví dụ: Từ văn bản Ghe xuồng Nam Bộ hoặc văn bản Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa có thể tóm lại thành 5-6 dòng nhưng cũng có thể tóm tắt trong nửa trang hoặc một trang giấy. Bản tóm tắt càng ngắn thì bản tóm tắt càng cô đúc. Tuy nhiên, dù tóm tắt theo yêu cầu nào thì bản tóm tắt cũng phải phản ánh đúng nội dung của văn bản gốc.

b. Muốn tóm tắt một văn bản theo yêu cầu khác nhau về độ dài, các em cần chú ý:

  • Đọc kĩ văn bản gốc cần tóm tắt.
  • Ghi lại các ý chính theo hệ thống: ý lớn (thường nêu khái quát ở phần mở đầu hoặc tên các tiểu mục), ý nhỏ (triển khai làm cho rõ ý lớn), các bằng chứng, ví dụ minh hoạ,..
  • Tùy theo yêu cầu tóm tắt (dài, ngắn bao nhiêu) để lựa chọn sắp xếp các ý và lời văn của bản tóm tắt.
  • Kĩ năng tóm tắt văn bản theo yêu cầu khác nhau về độ dài có tác dụng rất lớn trong việc giúp các em nắm bắt nội dung chính của mỗi văn bản khi đọc và rèn luyện kĩ năng tìm ý, lập dàn ý khi thực hành viết bài văn

II. THỰC HÀNH

Bài tập: Tóm tắt văn bản “Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa” theo hao yêu cầu 5-6 dòng và 10-12 dòng. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 87) 

Lời giải chi tiết: 

- Phương tiện vận chuyển của các dân tộc miền núi phía Bắc chủ yếu là đi bộ. Một số tộc người sinh sống ở ven sông Đà, sông Mã đã sử dụng thuyền để vận chuyển. Người Sán Dìu dùng xe quệt trâu kéo để vận chuyển còn người Mông, Hà Nhì, Dao thường dùng sức ngựa. Phương tiện vận chuyển của các dân tộc ở Tây Nguyên chủ yếu là sức voi, ngựa. Các buôn, làng ven sông suối lớn thì thường dùng thuyền độc mộc.

- Văn bản Phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày xưa đã đề cập đến những phương tiện vận chuyển của các dân tộc miền núi phía Bắc. Trong khoảng thế kỉ X – XVIII người miền núi phía Bắc chủ yếu di chuyển bằng cách đi bộ. Một số tộc người sinh sống ở ven sông Đà, sông Mã sử dụng thuyền để vận chuyển, thuyền của họ được đóng bằng các loại gỗ dài, nhẹ, không nứt, chịu nước (như gỗ dầu, gỗ sao). Người Sán Dìu chủ yếu dùng xe quệt trâu kéo để vận chuyển. Ngoài dùng thuyền, cư dân miền núi phía Bắc còn dùng bè và măng để di chuyển. Người Mông, Hà Nhì, Dao chủ yếu dùng sức ngựa để vận chuyển. Người Tây Nguyên thường dùng sức voi, ngựa để vận chuyển nhất là những người dân tộc Gia -rai, Ê-đê, M'nông. Các buôn, làng ở ven sông suối lớn thì sử dụng thuyền độc mộc. Việc dùng thuyền trên sông để vận chuyển, đi lại ở Tây Nguyên chỉ phổ biến với đàn ông. Qua đây ta có thể thấy các phương tiện vận chuyển của các dân tộc thiểu số rất đa dạng, phong phú.