[SOẠN BÀI] TRAO ĐỔI MỘT CÁCH XÂY DỰNG, TÔN TRỌNG CÁC Ý KIẾN KHÁC BIỆT

HƯỚNG DẪN

Chủ đề trao đổi: Trao đổi ý kiến về hai câu tục ngữ Một giọt máu đào hơn ao nước lã, Bán anh em xa mua láng giềng gần. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 39)

Bước 1: Chuẩn bị

Chuẩn bị nội dung trao đổi: 

Để chuẩn bị lý lẽ, bằng chứng cho phần trao đổi của mình, em hãy tự đặt và trả lời các câu hỏi, ví dụ như:

  • Chúng ta có thể hiểu hai câu tục ngữ trên như thế nào? → Hai câu tục ngữ trên đề cáo tình thân và đề cao mối quan hệ hàng xóm thân thiết.
  • Hai câu tục ngữ có mâu thuẫn với nhau không? Vì sao? → Hai câu tục ngữ không mâu thuẫn vì chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau để nói về tình thương giữa con người.
  • Trong xã hội hiện nay, ý nghĩa của hai tục ngữ câu trên còn đúng không? → Trong xã hội hiện nay, ý nghĩa của hai tục ngữ trên vẫn còn đúng.

Chuẩn bị cách trao đổi

  • Có thái độ hòa nhã, tôn trọng người cùng trao đổi với mình vì mục đích của buổi trao đổi chính là để chia sẻ quan điểm của mình, lắng nghe quan điểm của người khác. 
  • Bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình bằng những lí lẽ, bằng chứng thuyết phục và ngôn ngữ lịch sự. 
  • Lắng nghe và tôn trọng ý kiến khác biệt vì một vấn đề có thể được nhìn nhận từ nhiều chiều, nhiều góc độ. 

Bước 2: Trao đổi

Trình bày ý kiến

  • Thể hiện trực tiếp ý kiến của bản thân về vấn đề cần trình bày bằng một số mẫu câu như: Theo quan điểm của tôi, theo tôi, tôi nghĩ rằng.
  • Nêu lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

Tiếp nhận, phản hồi ý kiến của người khác và bảo vệ ý kiến của mình

  • Nghiêm túc lắng nghe và ghi chép ý kiến, câu hỏi của người khác.
  • Đặt câu hỏi về những vấn đề em chưa rõ bằng các mẫu câu: Có phải ý bạn là, bạn có thể nhắc lại câu hỏi không. 
  • Giải thích quan điểm của em nếu người nghe hiểu nhầm, đưa thêm các lí lẽ và bằng chứng mới thuyết phục người nghe. 

Bài nói tham khảo: 

Một trong những câu tục ngữ tiêu biểu về đạo đức thể hiện các mối quan hệ trong xã hội đó là “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. 

Trước tiên có lẽ ta phải hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. “Giọt máu đào” là thứ cần thiết đối với cơ thể của con người để có thể sống còn “ao nước lã” là những thứ không cần thiết đối cơ thể của con người. Ta có thể dễ dàng nhận thấy một giọt máu đào còn quan trọng hơn rất nhiều so với cả ao nước lã. Đây là biện pháp ẩn dụ, ý “giọt máu đào” muốn nói ở đây là những người có quan hệ huyết thống với nhau còn “ao nước lã” có thể hiểu là những người xa lạ, những người dưng. Việc sử dụng phép so sánh “hơn” ở đây đã thể hiện rõ lời nhận định những người có quan hệ huyết thống với nhau thì lúc nào cũng quý trọng hơn những người xa lạ. Câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta rằng phải biết xem trọng tình nghĩa giữa các thành viên có quan hệ huyết thống với nhau.

Thực tế trong xã hội ngày nay, nếu có một người nào đó trong gia đình ta gặp chuyện không may ta luôn bồn chồn, lo lắng hơn là thấy người dưng gặp chuyện không may. Điều này chứng tỏ câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” rất đúng. Người thân trong gia đình của chúng ta là những người hết lòng giúp đỡ yêu thương đùm bọc ta vì vậy khi họ gặp chuyện không may ta sẽ lo lắng hơn đối với những người không thân thuộc đây là lẽ tự nhiên. Khi dân tộc ta và dân tộc bạn cùng gánh chịu một cơn bão, mặc dù chúng ta đều xót thương, nhưng sự ưu tiên cứu giúp chắc chắn ta phải dành cho dân tộc mình. 

Tuy nhiên không phải là ai cũng có thể làm được vậy. Xã hội vẫn tồn tại một số người không xem trọng họ hàng thân thuộc mà họ lo chạy theo danh lợi và đánh mất tình nghĩa gia đình. Họ chỉ quan tâm đến cái lợi của hộ mà không cần biết điều đó sẽ như thế nào với những người thân của mình. Mặc dù đây chỉ là số ít nhưng cũng rất đáng để chê trách. Mỗi con người chúng ta cần phải sống có tình, có nghĩa, luôn đối xử tốt với những người thân của mình. Thông qua câu tục ngữ ta có thể thấy được lối sống đầy ân tình của con người việt Nam, chúng ta phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy.