[SOẠN BÀI] TRAO ĐỔI VỀ MỘT VẤN ĐỀ

THỰC HÀNH

Bài tập: Chọn một trong hai đề sau để thực hành: (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 31)

(1) Sau khi học bài thơ “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông), có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Ý kiến của em như thế nào?

(2) Có bạn cho rằng: Chủ đề của bài thơ “Mây và sóng” (Ta-go) là ca ngợi tình mẫu tử. Bạn khác lại cho rằng: Chủ đề bài thơ ấy ca ngợi trí tưởng tượng của em nhỏ. Ý kiến của em như thế nào?

Lời giải chi tiết:

a. Chuẩn bị (Đề 1)

- Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông). 

- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,.. và máy chiếu, màn hình (nếu có).

b. Tìm ý và lập dàn ý 

  1. Các ý kiến nêu trong đề bài có gì giống và khác nhau? → Hình ảnh “cánh buồm" giống nhau vì đều thể hiện khát vọng của con người đó là vươn cao, vươn xa. Khác nhau là ý kiến đầu tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con còn ý kiến thứ hai lại tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha.
  2. Mỗi ý kiến có điểm gì hợp lí và chưa hợp lí? → Mỗi ý kiến đều có phần đúng nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh mà còn thiếu ý.
  3. Ý kiến của em như thế nào? → Em nghĩ khi nhận xét về hình ảnh cánh buồm vì đây là hình ảnh ẩn dụ nó vừa thể hiện khát vọng vươn xa của người con, vừa thể hiện được những ước mơ chưa đạt được của người cha.
  4. Vì sao em hiểu như thế? → Em hiểu như vậy thông qua ngữ cảnh của bài thơ và các ý kiến trong bài thơ.

c. Bài nói 

Kính thưa thầy/cô và các bạn em là A trong những tiết học trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu văn bản Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông đây là một bài thơ rất đặc sắc về tình cha con. Trong văn bản hình ảnh cánh buồm xuất hiện có rất nhiều ý kiến. Ý kiến thứ nhất hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con còn ý kiến thứ hai tượng trưng cho ước mơ chưa đạt được của người cha. Theo các bạn ý kiến nào là ý kiến đúng, hãy cùng nghe ý kiến của mình và trao đổi nhé.

Chúng ta đều nhận thấy cả hai ý kiến đều nói về hình ảnh “cánh buồm”. Cánh buồm dựa vào sức gió để vươn ra xa ngoài khơi và giúp con người khám phá, chinh phục được thiên nhiên. Cánh buồm xuất hiện trong văn bản thể hiện khát vọng của cả người con và người cha là muốn vươn cao, vươn xa. Nhưng hai ý kiến lại có sự khác nhau. Ý kiến đầu tiên tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con còn ý kiến thứ hai tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Nếu đọc hai khổ thơ cuối riêng rẽ thì ta sẽ thấy ý kiến nào cũng đúng nhưng nếu đặt trong chỉnh thể bài thơ thì hai ý kiến này có ý đúng nhưng cũng chưa đầy đủ, chính xác. Theo em khi nhân xét về hình ảnh cánh buồm ta cần xét tới ngữ cảnh. Ta cần khẳng định với nhau rằng đây là hình ảnh ẩn dụ, bản chất của cánh buồm là dựa vào sức gió để vươn xa nó như thể hiện lên khát vọng vươn xa của con người. Trong khổ thơ thứ tư hình ảnh “cánh buồm” xuất hiện trong mong ước của người con thể hiện mong muốn cùng khao khát chinh phục khám phá thiên nhiên của người con. Ở khổ thơ cuối thông qua lời giãi bày của người cha ta có thể thấy ước muốn cùng khao khát chinh phục thiên nhiên của cha chưa thực hiện được. Như vậy khi đặt hình ảnh “cánh buồm" trong chỉnh thể bài thơ và ngữ cảnh em thấy hình ảnh “cánh buồm" vừa thể hiện khát vọng vươn xa của con và vừa thể hiện những ước mơ chưa đạt được của người cha.

Trên đây là bài trình bày của em về hai ý kiến nói về hình ảnh cánh buồm trong bài thơ “Những cánh buồm". Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe, rất mong nhận được những lời góp ý để bài nói của em được hoàn thiện hơn.