[SOẠN BÀI] TRÌNH BÀY Ý KIẾN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRONG CUỘC SỐNG

Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói.

  • Mục đích nói là trình bày về một vấn đề trong đời sống. 
  • Người nghe có thể là các bạn trong lớp. 
  • Nội dung và cách nói cần rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý 

- Dự kiến các câu hỏi, phản hồi của người nghe và chuẩn bị câu trả lời.

- Tóm tắt hệ thống ý dưới dạng sơ đồ. 

- Nêu rõ ý kiến, lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

Bước 3: Luyện tập và trình bày

- Khi luyện tập và trình bày, em nên: 

  • Lựa chọn từ ngữ cho phù hợp với văn nói, sử dụng những từ nối để trình bày mạch lạc, rõ ràng. 
  • Chuẩn bị mở đầu và phần kết hấp dẫn. Phần mở đầu và phần kết nên hô ứng với nhau để tạo dư âm cho bài nói. 
  • Khẳng định trực tiếp, rõ ràng ý kiến của bản thân về vấn đề cần trình bày. 

- Bài viết tham khảo:

Hiện nay ngành giáo dục có rất nhiều thành tích đáng khâm phục nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số thách thức chưa được giải quyết như bạo lực học đường, gian lận thi cử, vô lễ với giáo viên. Trong đó vấn nạn đáng báo động nhất hiện nay có lẽ là vấn nạn gian lận trong thi cử.

Gian lận trong thi cử là hành vi làm trái so với quy định của học sinh như quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi hay chạy tiền để được điểm cao. Việc gian lận không chỉ diễn ra ở học sinh mà nó còn còn tồn tại ở cả giáo viên và phụ huynh. Chính giáo viên và phụ huynh đã và đang “dọn đường” cho học sinh, tiếp tay để học sinh gian lận, đây thực sự là điều rất đáng buồn. 

Biểu hiện của việc gian lận thi cử hiện nay rất lộ liễu, ai ai cũng biết nhưng không ai lên tiếng. Việc gian lận trong thi cử gây ra rất nhiều tác hại xấu cho học sinh, nó làm hư học sinh khiến các em  luôn ở trong tâm thế sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý chí vươn lên phấn đấu giành thành tích. Hậu quả mà gian lận thi cử gây ra rất lớn, nó có thể phá huỷ cả tương lai còn dài của các em. 

Để hạn chế được hiện tượng này các thầy cô giáo cần nghiêm khắc, xử lí mạnh tay những thành phần dám vi phạm. Như vậy học sinh mới có thể nghiêm túc làm bài và không dựa dẫm. Việc này cũng giúp học sinh có thể nắm vững các kiến thức đã được học. Tình trạng gian lận thi cử ở nước ta còn tồn tại rất nhiều không chỉ ở những kì kiểm tra mà còn tồn tại cả trong những kì thi lớn. Các em không thể tự khẳng định mình mà chỉ chạy theo những cái danh vọng hão huyền, không thực tế. Việc gian lận thi cử sẽ tạo nên bệnh thành tích và nó cần phải được bài trừ. 

Đất nước cần những người biết tự lập, tự học tập, sáng tạo và vươn lên bằng chính khả năng, sức lực của mình. Việc ngăn chặn gian lận thi cử cần bắt đầu từ chính học sinh, việc này sẽ cổ vũ tinh thần ham học tập của các bạn. Nhà trường và các bậc phụ huynh cần có kế hoạch để đẩy lùi vấn nạn này và mang đến cho ngành giáo dục sự lành mạnh nhất.

Bước 4: Trao đổi và đánh giá

- Khi trao đổi với người nghe, cần có thái độ cầu thị và phản hồi những câu hỏi, ý kiến phản biện.

- Trước những ý kiến phản bác của người nghe, em có thể bảo vệ ý kiến của mình.