[SOẠN BÀI] VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRONG ĐỜI SỐNG

HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH VIẾT

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 2 - trang 37)

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài

Đề bài yêu cầu trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.

- Thu thập tài liệu

Để xác định đúng yêu cầu của đề bài, em có thể:

  • Tìm đọc những câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về các vấn đề trong đời sống.
  • Chọn một câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em tâm đắc hoặc gợi cho em nhiều suy ngẫm.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Liệt kê bất cứ suy nghĩ nào của em về câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em đã chọn. 

- Đọc lại những ý đã tìm được đồng thời đối chiếu với yêu cầu của đề bài và cân nhắc, chọn lựa, sắp xếp những ý kiến tiêu biểu thành dàn ý (có thể tham khảo sơ đồ dàn ý đã học ở bài 6)

Dàn ý cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Lí lẽ phong phú, xác đáng để giúp người đọc hiểu vì sao em lại có ý kiến như vậy về câu tục ngữ/ danh ngôn này.
  • Bằng chứng đa dạng, thuyết phục để có thể làm rõ lí lẽ.
  • Các lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

Bước 3: Viết bài

Khi viết bài, em cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Mỗi đoạn văn chỉ nên trình bày một ý. Các ý phải tập trung vào chủ đề là câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống mà em đã chọn.
  • Cần sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý để tạo liên kết trong bài.
  • Có thể sử dụng các câu chuyện từ thực tế, các trích dẫn từ sách, báo hoặc từ người lớn tuổi, có kinh nghiệm để tăng tính thuyết phục cho bài viết.

- Bài viết tham khảo:

Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống đạo lý vô cùng tốt đẹp nó được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức của con người đó chính là lòng nhân ái cùng lối sống vị tha. Từ xa xưa ông cha ta đã dạy dỗ con cháu những bài học đạo lý thông qua những câu ca dao tục ngữ điển hình là câu “Thương người như thể thương thân”.

Thương thân là gì? Thương thân là thương mình, xót xa cho mình khi rơi vào hoàn cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuốc và lúc hoạn nạn cũng không có ai giúp đỡ. Thế còn thương người là gì? Thương người là thương những người sống quanh ta, đó có thể là anh em, cha mẹ, hàng xóm cùng chung quê hương, chung đất nước. Thương người như thể thương thân mang ý nghĩa rằng ta yêu quý bản thân ta thế nào thì hãy chia sẻ, cảm thông và yêu thương người khác như thế. Nếu ta đã từng trải qua đau đớn, bệnh tật và ngặt nghèo thì khi thấy người khác lâm vào cảnh ngộ tương tự ta nên thương xót, cảm thông và quan tâm đến họ nhưng đối với chính bản thân mình.

Để có được một lối sống nhân ái và cao cả như vậy không phải là một chuyện dễ dàng. Ta phải có một tấm lòng trong sáng cùng một trái tim nhân hậu giàu đức hi sinh. Tất cả những điều ấy là kết quả của cả một quá trình tu tâm dưỡng tính lâu dài.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Sau khi viết xong, em chỉnh sửa và kiểm tra theo tiêu chí trong bảng.