[SOẠN BÀI] VIẾT BÀI VĂN PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC (THƠ TRÀO PHÚNG)

Đề bài: Phân tích một tác phẩm văn học là làm rõ những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Việc phân tích một bài thơ trào phúng cũng cần được triển khai theo hướng đó. Ở bài học này, em sẽ được thực hành viết bài văn phân tích một bài thơ trào phúng, qua đó vừa củng cố kĩ năng đọc hiểu, tiếp nhận một bài thơ trào phúng, vừa tiếp tục phát triển kĩ năng phân tích một bài thơ mà em đã được rèn luyện ở bài 2. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 91)

Lời giải chi tiết

Tập thơ “Nhật ký trong tù” được Hồ Chí Minh viết ròng rã hơn một năm trời trong các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Đây là tập thơ Người viết cho chính mình với mục đích ngày dài ngâm ngợi cho khuây, vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do. Điều đó được Người viết ở bài Khai quyển đầu cuốn sổ tay. Người đã ghi lại vắn tắt những gì mắt thấy tai nghe làm mình trăn trở, suy nghĩ và những xúc cảm trong suốt những tháng ngày bị giam cầm. Bài thơ thứ 97 “Lai Tân” được Người làm sau khi bị chuyển từ nhà lao Thiên Giang đến Lai Tân. Đằng sau bức tranh tả thực có vẻ rất khách quan ấy là thái độ mỉa mai, châm biếm, phê phán đối với giai cấp thống trị ở Lai Tân nói riêng và chế độ xã hội Trung Quốc đương thời nói chung. 

Bức tranh về hiện thực ở nhà tù Lai Tân cùng một phần của xã hội Trung Quốc thu nhỏ đã được Bác phản ánh rất sinh động qua bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn - hàm súc. Điều thành công của bài thơ chính là nghệ thuật châm biếm sắc sảo, độc đáo kết hợp với giọng điệu tự sự xen lẫn trữ tình và kết cấu chặt chẽ, hợp lý. Bài thơ có kết cấu hai phần nhưng khác với các kết cấu thông thường vì phần thứ nhất gồm ba câu, còn phần thứ hai chỉ có một câu. Ba câu thơ đầu chỉ kể việc đơn thuần nhưng điểm nhấn là câu thơ cuối vì nó làm bật ra toàn bộ tư tưởng của bài thơ và làm bung vỡ tất cả cái ý châm biếm mỉa mai của người tù Hồ Chí Minh trước sự thối nát đến tận xương tủy của đám quan chức trong giai cấp thống trị. Phần thứ nhất, tác giả đã phác họa chân dung của ba nhân vật “quan trọng”. Ban trưởng công khai đánh bạc, cảnh trưởng trắng trợn ăn tiền đút lót còn huyện trưởng thì đêm đêm chong đèn hút thuốc phiện. Những kẻ đại diện cho chính quyền và luật pháp ngang nhiên vi phạm pháp luật. Chính những điều trái ngược ấy đã vượt ra khỏi khung cảnh của nhà tù và trở thành tính chất tiêu biểu cho cả xã hội Trung Hoa thời ấy. Quan trên trì trệ, vô trách nhiệm chỉ biết hưởng lạc, cấp dưới thì chỉ lo xoay xở kiếm ăn mặc cho tệ nạn vẫn cứ hoành hành. Điều đáng mỉa mai nhất chính là bọn quan lại tham nhũng ấy đã góp phần tăng thêm tệ nạn xã hội. Câu thơ miêu tả ngắn gọn nhưng lại mang ý mỉa mai vô cùng sâu sắc, tố cáo tình trạng lộn xộn, bát nháo của xã hội Trung Quốc khi ấy. 

Phần hai - câu kết là nhận xét có tính trào lộng thâm thúy của người tù Hồ Chí Minh về tình trạng của bộ máy cai trị ở Lai Tân. Người đọc đang chờ đợi gì kết luận này? Chắc hẳn là một sự lên án quyết liệt nhưng Người lại làm như không mà hạ một câu có vẻ rất khách quan: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình. Đây là đòn đả kích bất ngờ nhưng sâu cay, nó nằm ngay trong câu nhận xét tưởng như ca ngợi. Câu kết tưởng chừng như  “vô tư” lại ẩn giấu một tiếng cười mỉa mai, châm biếm, lật tẩy bản chất xấu xa của bộ máy thống trị ở Lai Tân. 

Bài thơ in đậm bút pháp nghệ thuật chấm phá truyền thống của thơ Đường với lời thơ ngắn gọn, súc tích, không cầu kỳ câu chữ nhưng đã phơi bày bản chất của cả chế độ Tưởng Giới Thạch suy thoái, mục nát. Sức chiến đấu và chất “thép” của bài thơ nhẹ nhàng mà thâm thúy chính là nằm ở đó.