[SOẠN BÀI] VIẾT ĐOẠN VĂN GHI LẠI CẢM NGHĨ VỀ MỘT BÀI THƠ TỰ DO

I. HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH VĂN BẢN

Câu 1: Xác định nội dung câu chủ đề, câu kết đoạn của đoạn văn. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 25)

Lời giải chi tiết:

- Câu chủ đề của đoạn văn là “Bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Nhàn đã đưa tôi về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đồng thời khiến tôi ngạc nhiên, thích thú vì những phát hiện tinh tế của nhà thơ về trẻ con” → nó giới thiệu nội dung chính của bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Nhàn.

- Câu kết của đoạn văn là “Tôi thầm cảm ơn nhà thơ đã giúp tôi thấm thía một điều thiêng liêng, đối với cha mẹ, con cái luôn là món quà tuyệt vời nhất” → Rút ra bài học cùng ý nghĩa thiêng liêng về tình yêu gia đình. 

Câu 2: Tóm tắt phần thân đoạn. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 25)

Lời giải chi tiết:

Phần thân đoạn nói về thế giới tươi đẹp, ngộ nghĩnh hiện lên qua đôi mắt ngây thơ của con nhỏ. Nó đã trở thành mạch nguồn trong lành, dạt dào gợi nhiều cảm xúc để tiếng thơ của mẹ cất thành lời.

Câu 3: Tác giả dùng ngôi thứ mấy để chia sẻ cảm nghĩ? Cảm xúc và suy nghĩ được thể hiện như thế nào trong bài viết? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 25)

Lời giải chi tiết:

- Tác giả dùng ngôi thứ nhất - xưng tôi để chia sẻ cảm nghĩ.

- Cảm xúc cùng suy nghĩ được thể hiện hiện trong bài viết là cảm xúc ngạc nhiên, thích thú trước những suy nghĩ ngây ngô, hồn nhiên của con trẻ và những suy nghĩ nhẹ nhàng, sâu lắng trước tình cảm của người mẹ.

Câu 4: Tác giả đã sử dụng những bằng chứng nào trong bài thơ để làm rõ cảm nghĩ của mình? (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 25)

Lời giải chi tiết:

Tác giả đã sử dụng những bằng chứng trong bài thơ để làm rõ cảm nghĩ của mình, đó là:

  • Chỉ có thể thông qua đôi mắt của trẻ thơ, thế giới mới hiện lên trong veo, ngộ nghĩnh và thú vị đến vậy: “cô-ti-vi”, “cái cây là con cô gió”, “ngâm thơ vào nước”…
  • Người mẹ muốn làm thơ nhưng chưa có cảm xúc và câu chữ còn “cằn khô" nhưng đúng lúc này những lời nói gây thơ hằng ngày của con vang lên trong tâm trí mẹ khiến cảm xúc tuôn trào.

Câu 5: Tìm các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 25)

Lời giải chi tiết:

Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn đó là: 

  • Phép thế: “Đó” thế cho “những lời con nói với mẹ về cuộc sống qua cách cảm nhận hồn nhiên, ngây thơ của đứa trẻ” 
  • Phép nối: “Đúng lúc này”
  • Phép lặp: “bài thơ”, “mẹ”, “con”.

II. HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH VIẾT

Đề bài: Chọn một bài thơ tự do mà em yêu thích, viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của em về bài thơ đó. (SGK Ngữ văn lớp 8 Tập 1 - trang 25)

Lời giải chi tiết:

Bài thơ “Những cánh buồm “ - Hoàng Trung Thông là một bài thơ gợi lên trong em rất nhiều rung động. Hình ảnh hai cha con hiện lên trong bài thơ thật ấm áp, thân thiết. Hành động khiến em cảm động nhất trong bài thơ đó là khi cha nắm lấy tay con, dắt tay con và rồi mỉm cười xoa đầu con. Những hành động ấy rất gần gũi, bình dị như cha vẫn hay làm với em. Vì vậy em như cảm nhận được tình cảm ấm áp, yêu thương trìu mến mà người cha dành cho đứa con của mình. Chính ông đã gợi lên những tò mò, những thích thú về thế giới xa lạ ngoài kia cho con của mình. Nó thôi thúc đứa trẻ đứng lên, khám phá những điều mới mẻ. Đó chính là sự bao la, vĩ đại của tình cha. Con được lớn lên trong tình yêu thương ấy nên cũng quấn quýt và yêu thương cha của mình. Trong suy nghĩ của đứa trẻ non nớt ấy là sự mong mỏi mượn của cha cánh buồm trắng để rong ruổi ra khơi, chính suy nghĩ ấy đã cho ta thấy sự tin tưởng và sự kính yêu mà người con dành cho cha mình. Cũng như trong tâm trí em, cha luôn là mái nhà kiên cố có thể che chắn mọi điều mà không nề hà khó khăn. Những rung cảm về tình phụ tử ấm áp và thiêng liêng ấy đã được bài thơ khơi gợi, ấp ủ trong em.