[SOẠN BÀI] VIẾT ĐOẠN VĂN GHI LẠI CẢM XÚC SAU KHI ĐỌC MỘT BÀI THƠ BỐN CHỮ, NĂM CHỮ

I. ĐỊNH HƯỚNG 

a. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ thực chất là trả lời câu hỏi: “Bài thơ gợi cho em những tình cảm, cảm xúc gì? Vì sao?”. Đoạn văn, có thể nêu cảm xúc của em về nội dung một dòng thơ, khổ thơ, đoạn thơ, bài thơ hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc mà em yêu thích. 

b. Để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ, các em cần chú ý:

  • Đọc kĩ để hiểu nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Xác định các yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng và gợi cảm xúc cho em.
  • Viết đoạn văn, trong đó nêu rõ: Em có cảm xúc về vấn đề gì (nội dung hay hình thức nghệ thuật, một dòng, khổ, đoạn hay cả bài thơ)? Cảm xúc của em như thế nào (xúc động, vui, thích, buồn, hân hoan,...)? Điều gì đã mang lại cho em cảm xúc đó? Vì sao?... 

II. THỰC HÀNH

Bài tập: Hãy viết một đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc một trong các bài thơ: “Mẹ” (Đỗ Trung Lai), “Ông đồ” (Vũ Đình Liên), “Tiếng gà trưa” (Xuân Quỳnh).

a. Chuẩn bị (Về bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai) 

  • Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Mẹ.
  • Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. 

b. Tìm ý và lập dàn ý

  • Nét đặc sắc về nội dung: Nỗi đau đớn xót xa của con khi thấy hình ảnh mẹ ngày càng hao mòn, lưng còng đi, thấp dần và mái đầu bạc trắng nhưng lại bất lực. 
  • Nét đặc sắc về nghệ thuật: Hình ảnh cau và mẹ được thể hiện song đôi qua biện pháp đối lập, so sánh và câu hỏi tu từ. Chúng có tác dụng giúp hình tượng “mẹ" được hiện lên rõ ràng, cụ thể sinh động để được đọc dễ dàng nhận thấy được tình cảm cùng nỗi lòng của người con. Các biện pháp tu từ đã tạo nên giá trị đặc biệt trong cách biểu đạt, cách biểu cảm đồng thời giúp lời thơ trau chuốt mượt mà hơn.

- Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

  • Em thích nhất dòng, khổ, đoạn thơ nào hay cả bài thơ: Em thích toàn bài thơ.
  • Ở dòng, khổ, đoạn thơ hay bài thơ có gì đặc sắc về nội dung hoặc nghệ thuật: Tác giả đã có sự so sánh rất độc đáo ở hình ảnh cau khô/ khô gầy. Khi nhìn hình ảnh miếng cau khô tác giả đã liên tưởng đến hình ảnh người mẹ già gầy guộc. Hình ảnh so sánh độc đáo ấy chứa sức gợi rất lớn trong em, từ hình ảnh người mẹ của tác giả em lại nghĩ về người mẹ của mình. 
  • Yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật ấy mang lại cho em những cảm xúc gì: Hình ảnh so sánh cau khô/ khô gầy gợi cho em rất nhiều suy nghĩ cùng cảm xúc. Hình ảnh người mẹ già gầy guộc, nhăn nheo cùng miếng cau khô nhẹ nhàng nhưng sao lại chua xót, đau đớn đến thế. Chính hình ảnh đó đã thôi thúc em cần yêu thương và trân trọng mẹ hơn.

- Lập dàn ý cho đoạn văn bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

c. Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng được các từ ngữ ghi lại một cách sinh động và chính xác cảm xúc của em.

Lời giải chi tiết:

Đề tài viết về “mẹ" là một đề tài muôn thuở trong thi ca, góp nhặt vào đề tài ấy là Đỗ Trung Lai, ông đã thể hiện thành công nỗi lòng đau đớn, xót xa khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ ngày càng hao mòn, lưng còng đi, thấp dần và mái đầu bạc mà bất lực. Hình ảnh ấy được thể hiện rất rõ nét thông qua những câu thơ:

“Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ”. 

Cau khô là miếng cau đã chuyển từ màu xanh sang màu nâu, nó không còn ngon và không ăn được nữa. Đỗ Trung Lai đã mượn hình ảnh cau khô để so sánh với người mẹ. Khi nhìn miếng cau khô, ông liên tưởng đến người mẹ già gầy guộc mà lòng rưng rưng không cầm được lệ. Hình ảnh so sánh độc đáo ấy chức sức gợi rất lớn trong lòng em. Chính hình ảnh ấy đã gợi lên cho em suy nghĩ về người mẹ của mình cũng đang ngày một già đi, vì vậy mà em phải càng trân trọng mẹ và trân trọng tứ thơ này. Đoạn thơ tuy ngắn gọn với biện pháp so sánh độc đáo đã thể hiện lên cái nhìn tinh tế cùng nỗi xúc động và tình thương mẹ sâu sắc của nhà thơ.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa 

Tham khảo hướng dẫn kiểm tra và chỉnh sửa đã nêu ở Bài 1, phần Viết mục d (trang 35).